Làm giàu từ nhạc cụ dân tộc truyền thống
![]() |
![]() |
Sáo trúc Bùi Gia là thương hiệu sáo trúc của chàng trai trẻ Bùi Công Thơm. Trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, thương hiệu sáo trúc Bùi Gia không những có được chỗ đứng vững chắc trong nước mà còn khẳng định được thương hiệu của mình trên tầm quốc tế. Hiện sáo trúc Bùi Gia đã có mặt tại một số quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Úc, Đài Loan,…
Vào đầu những năm 2006, Bùi Công Thơm được các bạn trẻ biết đến khi anh bắt đầu phát triển các phong trào sáo trúc như thành lập các câu lạc bộ cho các bạn yêu sáo từ Bắc vào Nam, tặng sáo miễn phí cho những người yêu sáo, tổ chức các chương trình offline thường niên, các cuộc thi thường kỳ, và các hoạt động từ thiện…
Chính trong giai đoạn này, anh nhận thấy còn có rất nhiều người cũng có nhu cầu tìm hiểu về sáo: “Nhiều người khi gặp tôi có hỏi là thổi sáo như thế nào, nên tôi chợt nhận ra cũng rất nhiều người yêu thích cây sáo, thì tại sao một người học sáo chuyên nghiệp như mình lại không phổ biến rộng rãi cho mọi người hơn”, Bùi Công Thơm chia sẻ.
Vì vậy, năm 2006 anh quyết định khởi nghiệp với cây sáo. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mạng internet chưa phát triển rộng rãi như bây giờ, nên số lượng người biết đến cây sáo vẫn còn hạn chế, sau khi bán hết cho bạn bè người thân xung quanh, thì sản phẩm sáo của anh bị chững lại. Hơn nữa lại là một kẻ ngoại đạo trong kinh doanh nên Bùi Công Thơm lại càng mông lung khi không biết triển khai kế hoạch công việc như thế nào.
Tuổi trẻ nông nổi, thấy người khác làm được cái gì là mình cũng ham làm, nên trong giai đoạn đó Bùi Công Thơm cũng thử sức với rất nhiều lĩnh vực khác như làm từ bán điện thoại di động đến mở quán café. Kết quả là, Bùi Công Thơm nợ lên đến 1 tỷ 4, mỗi tháng số tiền lãi lên đến 90 triệu khiến sự nghiệp của anh với sáo phải tạm thời dừng hẳn trong vài năm.
Lúc này, nhìn qua quá trình đã trải qua, không nản chí Bùi Công Thơm bình tĩnh một mặt đàm phán với các chủ nợ để giải quyết áp lực từ bên ngoài, một mặt nhìn lại định hướng lại cho nghề nghiệp tương lai của mình. Thơm chia sẻ: “Lúc đó khi mình nhìn lại quãng đường đã qua, qua bao nhiêu nghề mà mình lại không trụ lại được, trong khi đó nghề chính lại vẫn có nhiều người tìm đến mình, nhờ mình làm sáo hay tham gia các câu lạc bộ, các diễn đàn liên quan đến sáo. Mình nhân thấy mình vẫn còn rất được trọng vọng trong bộ môn này, thế thì tại sao mình lại không đánh sâu, phát triển vào thế mạnh của mình”.
Một lần nữa Thơm lại quay trở lại khởi nghiệp với cây sáo. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, Bùi Công Thơm xác định sẽ phải tạo thị trường trước tiên. Làm thế nào để mọi người biết về cây sáo, yêu thích học sáo thì từ đó họ sẽ tìm đến các sản phẩm của anh. Nhớ lại quãng thời gian đó, chàng trai trẻ cho biết: ‘Các bạn trẻ ngày nay không được tiếp với các loại nhạc cụ truyền thống nói chung và sáo trúc nói riêng. Khi mình tham gia nhiều các buổi giao lưu với các bạn học sinh trung học phổ thông, thì mình phát hiện ra có 10 bạn thì có đến 9 bạn thích sáo. Vì vậy, tuỳ từng lứa tuổi mình sẽ thổi cho các bạn nghe các bài hát khác nhau. Ví dụ như, các bạn bé thôi chim vành khuyên hoặc là các bạn lớn hơn sẽ thổi các bài nhạc trẻ hiện đại bây giờ. Từ đó, các bạn sẽ thích và muốn tìm hiểu về cây sáo. Tóm lại các bạn không biết để mà thích. Mình mong muốn trước tiên các bạn thích nhạc cụ dân tộc này đã, khi các bạn đã yêu thích thì các bạn sẽ tự tìm đến”.
Ngoài ra, Bùi Công Thơm cũng đã tổ chức một loạt các chương trình như: “Cây sáo thần” năm 2014, hay “Hội ngộ tiếng sáo Việt” – chương trình đầu tiên mà quy tụ các nghệ sĩ sáo hàng đầu tại Việt Nam năm 2015 và gần đây nhất là người đầu tiên tổ chức cuộc thi “Tiếng sáo từ trái tim”.
Sáo trúc Bùi Gia hiện đang sử dụng nứa làm nguyên liệu chính để sản xuất sáo, do đặc tính ưu việt của chúng. Nứa không chỉ bền mà còn rất gần gũi với người dân Việt Nam. Nó cũng tạo ra âm thanh phát ra vô cùng trong trẻo, mộc mạc, và giản dị, khác với những cây sáo được làm từ gỗ hay kim loại.
Ngoài Vĩnh Phúc, anh nhập nứa từ các tỉnh Hoà Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ hay thậm chí là Bình Dương, nơi có khí hậu ôn hoà không có gió bão như miền bắc, nên cây nứa đẹp và thẳng hơn, nứa mỗi vùng sẽ phù hợp với mỗi loại sáo khác nhau.. .Thế nhưng để có một cây sáo hoàn hảo không chỉ dừng lại vào khâu chọn nguyên liệu mà còn nhờ vào bàn tay khéo léo của những người thợ trong giai đoạn chế tác. Thơm cho biết mỗi người thợ trong xưởng của anh đều đã có ít nhất 3 năm kinh nghiệm.
Hiện sáo trúc Bùi Gia không chỉ thành công với mô hình kinh doanh sáo trúc với doanh thu ổn định lên đến 600 – 700 triệu/tháng, mà một điều khiến Bùi Công Thơm tâm đắc hơn cả, đó chính là thành công trong việc hướng dẫn những người không biết về sáo trúc đều có cơ hội tìm hiểu về nó, sử dụng nó và mang nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ.
Chia sẻ về định hướng phát triển tương lai, Bùi Công thơm cho biết trước hết anh vẫn tập trung phát triển sản phẩm sáo trúc Bùi Gia.
Bên cạnh đó, anh cũng đang cho chạy thử hệ thống đào tạo trực tuyến có tên là Học viện sáo trúc Việt Nam. Giáo viên hướng dẫn đều là các thầy cô giáo trong tổ bộ môn sáo trúc đang công tác tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trên hệ thống sẽ quay rất nhiều bài giảng chi tiết. Ngoài ra còn một điểm khác biệt nữa so với các mô hình học trực tuyến khác, đó là luôn có một đội ngũ giảng viên lúc nào cũng online để hướng dẫn, giải quyết thắc mắc của các bạn học viên từ 8h sáng đến thậm chí đến 10h tối. Điều này sẽ giúp các bạn học viên có thể học bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Hiện tại, dù chưa quảng bá rộng rãi mô hình này đã có gần 500 người đăng ký. Theo đánh giá thị trường hiện nay, Bùi Công Thơm cho biết sẽ có khoảng 3.000 người tham gia. Khi hệ thống học viên tham gia đông, đội ngũ giáo viên chưa kịp thời trả lời, các bạn có thể upload các video của chính cá nhân và các thầy cô sẽ có trách nhiệm trả lời trong tối đa 10 giờ đồng hồ. Bùi Công Thơm hy vọng trong tương lai gần sẽ biến hệ thống đào tạo trực tuyến này thành 1 siêu thị đáp ứng tất các các nhu cầu liên quan đến sáo của Việt Nam. Anh cũng cho biết thêm: “Xa hơn nữa, mình cũng đang ấp ủ một dự án phát triển đồ tre. Mình đang xâu chuỗi tất cả những gì liên quan đến nghề nghiệp của mình. Mình tin những người yêu thích về sáo trúc thì chắc hẳn cũng sẽ có hứng thú về các món đồ truyền thống khác như tre nứa,…Đầu tiên mình sẽ sản xuất các sản phẩm tre lưu niệm, những đồ nhỏ nhỏ, handmade làm bằng tre, rồi từ đó có thể là các đồ gia dụng như bàn, ghế, hay các loại nhạc cụ khác như đàn tranh, ghita,…”
Từ niềm đam mê của 1 cá nhân Bùi Công Thơm đã truyền cảm hứng đến hàng trăm nghìn người trên khắp mọi miền tổ quốc biết đến và yêu cây sáo trúc việt nam, cũng từ đó hàng vạn cây sáo mang thương hiệu sáo trúc Bùi Gia doanh sản xuất cũng được chắp cánh theo niềm đam mê bất tận.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Thúc đẩy phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Hà Nội tư vấn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp

Hỗ trợ thanh niên tiếp cận vốn vay, ứng dụng AI vào khởi nghiệp

“Xưởng khởi nghiệp” đầu tiên tại Việt Nam vận hành bằng AI

Phiên chợ thanh niên ươm mầm khởi nghiệp

Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên “vùng đất khó”

APEC Innovation 2024: Hạn cuối nộp bài dự thi là ngày 31/3

Thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất

Nâng tầm khởi nghiệp với Startup Runway 2025
