Làm rõ nét hơn về cuộc đời, sự nghiệp danh nhân Lưu Đình Chất
Đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo Lăng mộ và đền thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái được công nhận là Di tích Quốc gia |
Sau hơn nửa năm chuẩn bị với 3 cuộc nghiên cứu, điền dã tại Nam Định, Hải Phòng và Thanh Hóa, gần 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học đã được thực hiện nhằm đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp, công trạng, vai trò của Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, sử học |
Từ đó, tại hội thảo, các nhà chuyên môn nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông trong bối cảnh hiện nay, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Lưu Đình Chất là con trai của Lâm Quận công Lưu Đình Thường (Thưởng). Ông cũng là hậu duệ đời thứ 21 của Thái sư Lưu Cơ, người đã thừa kế trọn vẹn tài năng và truyền thống tốt đẹp của Thái sư.
Theo sử liệu, 42 tuổi, Lưu Đình Chất tham gia thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), ông được phong chức Đô cấp sự trung (chức quan đứng đầu một cơ quan trong sáu khoa giúp việc sáu bộ thời Lê - Trịnh).
Nhiều ý kiến tại hội thảo nêu bật công lao của Tiến sĩ Lưu Đình Chất |
TS Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: “Điểm nhấn đáng chú ý là, khoa thi này đã lựa chọn và lấy đỗ 5 vị đại khoa, trong số đó, Hoàng giáp Lưu Đình Chất là nhân vật nổi trội nhất, cả về con đường làm quan cũng như công lao, đóng góp với quê hương, đất nước. Ông xứng đáng là danh thần lương đống, vị Tể tướng nổi danh thời Lê Trung hưng đầu thế kỷ XVII”.
Đánh giá về Lưu Đình Chất, nhà sử học Phan Huy Chú trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí" đã dành sự khen ngợi: “Từ đời Hoằng Định đến Dương Hòa, Thịnh Đức là lúc triều đình lắm việc, phải sửa chính ở trong, dẹp loạn ở ngoài… Ông Lưu Đình Chất ở Quỳ Chử bày tỏ mưu hay, bổ ích rất nhiều”.
Nhà thờ họ Lưu Đình tại Đồ Sơn, Hải Phòng có thờ danh nhân Lưu Đình Chất |
Năm 1614, Tiến sĩ Lưu Đình Chất được ban chức Dinh điền Chánh sứ vùng biển Giao Thuỷ, Nam Định, đã xuất tiền đắp đê, lấn biển, lập ra 12 làng. Họa sỹ Lưu Thiên An ca ngợi: “Hình tượng và công trạng của danh nhân Thiếu bảo, Phúc quận công, Lưu Đình Chất sống mãi trong lòng người dân vùng đất cửa sông Ba Lạt, Hà Lạn, Lạch Giang, Cửa Đáy.
Người đã cùng 10 vị tổ đầu tiên về đây, đắp đê ngăn mặn, khai hoang lấn biển để cho ngày nay có được cánh đồng thẳng cánh cò bay, bờ xôi, ruộng mật của các huyện ven biển, như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định”.
Đặc biệt sau đó, đến năm 1616, Lưu Đình Chất được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh.
Về phẩm chất đạo đức, Lưu Đình Chất là một vị đại quan có tài, lại rất thanh liêm, một lòng phụng sự triều đình. Với nhiều đóng góp quan trọng, Lưu Đình Chất được triều đình phong kiến Lê - Trịnh thăng Đô ngự sử, rồi Tá lý công thần, Thượng thư Bộ hộ, Tham tụng (Tể tướng), Thiếu bảo tước Phúc Quận công. Lưu Đình Chất còn là một nhà thơ lớn, đã để lại 19 bài thơ cận thể trong Toàn Việt thi lục. Năm 1627 ông mất, thọ 62 tuổi, được truy tặng Thiếu sư.
Tên của ông được đặt cho trường THPT Lưu Đình Chất giai đoạn 2011 - 2019 tại xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hoá, Thanh Hóa.
Hướng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Lưu Đình Chất, căn cứ trên những nghiên cứu tại các địa phương mà ông để lại dấu ấn, các tác giả Trần Quang Minh và Lê Thị Thanh Thủy kiến nghị “Sau Hội thảo khoa học này, để tôn vinh công trạng của Dinh điền Chánh sứ Tiến sĩ Lưu Đình Chất và tri ân báo hiếu Đức Ngài, Nhân dân huyện Giao Thuỷ, Nam Định mong muốn tại tỉnh Nam Định có đường phố và trường học mang tên Lưu Đình Chất”.
TS Nguyễn Thị Vân và TS Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất cần đưa buổi nói chuyện, trải nghiệm lịch sử về Lưu Đình Chất vào môn Giáo dục địa phương tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa.