Làm rõ việc khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt của Sở Xây dựng
Dự án Bệnh viện Hòa Hảo đến nay vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng (Ảnh: V.V.A) |
Liên quan đến Công trình Khu liên hợp Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp và Chẩn đoán, khám chữa bệnh đa khoa, tư vấn, chăm sóc sức khỏe (số 02 Nguyễn Hữu Thọ, Hải Châu, TP Đà Nẵng) xây dựng không phép tồn tại suốt nhiều năm trên đất quốc phòng, Công ty TNHH TM-DV Trường Sơn Tùng - chủ đầu tư công trình này đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan.
Theo đó, Công ty TNHH TM-DV Trường Sơn Tùng kiến nghị giải pháp tối ưu là tạo điều kiện để doanh nghiệp sửa sai, khắc phục hậu quả... để công trình được cấp phép và hoạt động cho đến năm 2040 như thời hạn của hợp đồng ghi nhận.
Chủ đầu tư cho rằng, mặc dù công trình chưa được cấp phép nhưng được chính quyền từ phường đến các Sở, ban, ngành thành phố và Bộ Tư lệnh quân khu 5 để cho xây dựng và không có động thái can thiệp cụ thể. Tại thời điểm bị xử phạt ngày 22/12/2016 cho đến nay, công trình vẫn tồn tại trên đất theo hướng ngày một hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Liên quan đến Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng số 166/QĐ-XPVPHC ngày 22/12/2016 của Sở xây dựng Đà Nẵng đối với Công ty Trường Sơn Tùng, nội dung của quyết định xử phạt có thể hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại thời điểm ra quyết định xử phạt nhưng chưa rõ Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả là khắc phục như thế nào?
Do đó, cần làm rõ nội dung liên quan đến nội dung khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt hành chính của Sở Xây dựng đối với chủ đầu tư về hành vi xây dựng công trình không phép trước đó thì mới có cơ sở biết được chủ đầu tư có chấp hành đúng nội dung của quyết định xử phạt hay cố tình vi phạm; Hoặc Sở Xây dựng có yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả như thế nào, để làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, đến năm 2017, đơn vị này đã ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng. Mặc dù chủ đầu tư đã nộp phạt nhưng chưa thực hiện việc khắc phục hậu quả. Trong khi đó, công trình vẫn tiếp tục được xây dựng và Sở này cũng không có ý kiến gì.
Hiện nay, dự án đã xây dựng khối nhà đa khoa quy mô 7 tầng, diện tích xây dựng 623m2; Khối nhà nha khoa quy mô 3 tầng, diện tích xây dựng 555m2; Trung tâm dịch vụ ô tô quy mô 2 tầng, diện tích xây dựng 2.529m2... |
Trong một diễn biến khác, theo nội dung của thông cáo báo chí được phát đi ngày 11/2/2022 của Sở xây dựng Đà Nẵng thể hiện, 8.500m2 đất này thuộc thẩm quyền của Quân khu 5 quản lý. Tuy nhiên, thông cáo không đưa ra tài liệu để chứng minh về Chứng thư pháp lý, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Nhìn nhận một cách khách quan thì hiện nay người dân vẫn không biết khu đất trên do ai quản lý và đang sử dụng theo quy định pháp luật hiện hành nào.
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt nêu quan điểm: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý Nhà nước đối với quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có tài liệu nào chứng minh người có quyền về tài sản là quyền sử dụng đất thuộc cá nhân hoặc tổ chức nào.
Ngoài ra, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Quân khu 5 và Công ty Trường Sơn Tùng có phát sinh hậu quả pháp lý hay không? Đến thời điểm này vẫn chưa xuất hiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho một tổ chức hay cá nhân đại diện cho Quân khu 5.
Trong trường hợp Công ty Trường Sơn Tùng ký hợp đồng hợp tác đầu tư với tư cách cá nhân nhân danh Quân khu 5 thì hợp đồng hợp tác đầu tư này sẽ không được pháp luật thừa nhận, mà có thể được xem là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm.
Mặt khác, vấn đề đặt ra là liệu sau 30 năm thì có trở thành tài sản của doanh nghiệp hay không theo quy định pháp luật về thời hiệu chiếm hữu tài sản cố định?
Được biết, hiện Quân khu 5 đang phối hợp với UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát và xử lý vụ việc. Đồng thời, Cục Hầu cần Quân khu 5 cũng đã yêu cầu Công ty Trường Sơn Tùng cùng các bên liên quan tạm dừng tất cả hoạt động liên quan đến dự án để chờ xử lý.