Làng hương trăm năm Quảng Phú Cầu nhuộm màu hồng đón Tết
Làm nghề, giữ nghề với cái tâm trọn vẹn nhất
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là nơi duy nhất còn giữ gìn nghề làm hương tăm truyền thống. Với tâm niệm hương nhang là để dâng lên tỏ lòng thành kính với đấng tối cao, người dân nơi đây luôn làm nghề với cái tâm trọn vẹn nhất của mình để những bó hương trăm năm rồi vẫn không đổi thay, vẹn nguyên linh hồn.
Những bó tăm hương được phơi trên con đường liên xã |
Tìm đến thôn Xà Kiều (Xà Cầu) những ngày cuối năm Canh Tý, có thể dễ dàng cảm nhận thấy không khí làm nghề khẩn trương, tất bật của người dân nơi đây. Dọc trục đường chính dẫn vào thôn, hai bên đường là la liệt những bó tre, nứa đang được người dân chặt, vót để làm tăm hương.
Hầu hết các hộ dân ở địa phương giờ đều làm hương bằng máy với năng suất cao hơn, chất lượng hương cũng ổn định hơn |
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Nghiêm - thợ làm hương thôn Xà Cầu cho biết: Người dân nơi đây ai ai cũng thuộc lòng quy trình làm ra một bó hương truyền thống. Từ công đoạn cắt nhỏ vầu, tre hay nứa để vót tăm hương đến vo hương, phơi hương rồi chọn những nén đẹp nhất, đều nhất cho vào từng gói giao đến người dùng.
"Người làng Xà Cầu thường làm hai loại là hương vàng và hương đen, mỗi loại có một mùi hương khác biệt nhưng đều là những nguyên liệu tự nhiên từ nhựa trám, than đen, mùn cưa, nụ trầm, thảo mộc thiên nhiên, không phẩm màu, chất hóa học hay cả những chất tạo tàn vòng độc hại cho sức khỏe", chị Nghiêm nói.
Người dân phơi hương dưới nắng |
Tre, vầu để vót tăm hương cũng được người dân tuyển chọn nhập về từ Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa... để đảm bảo chất lượng. Điểm đặc trưng nhất và cũng là bí quyết làm nên thương hiệu hương Quảng Phú Cầu có lẽ là công thức pha trộn nguyên liệu độc nhất làm nên mùi hương thơm đặc biệt. Hơn cả thế, sau trăm năm, những nét truyền thống trong quy trình làm hương, cái tâm và sự tỉ mỉ đặt vào từng sản phẩm của người dân vẫn vẹn nguyên.
Hương đen rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng... |
Chị Nguyễn Thị Thủy - chủ cơ sở sản xuất hương Thủy Xuân Tiên chia sẻ: “Ngày nay, công nghệ phát triển hiện đại nên người dân có áp dụng vào một số khâu trong sản xuất để tiết kiệm thời gian và sức lao động nhưng không vì thế mà chất lượng hương Quảng Phú Cầu bị mai một.
Từng nén hương đều được đảm bảo cả hình thức lẫn chất lượng, chọn lựa thủ công kỹ càng trước khi đóng gói xuất đi. Máy móc chỉ áp dụng được một phần nhỏ, con người vẫn là nhân tố quan trọng nhất làm nên chất lượng từng nén nhang. Có nhiều khâu không thể dùng tới máy móc vì sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hương”.
Cũng bởi thế mà về Quảng Phú Cầu, nơi đâu ta cũng thấy những công nhân đang miệt mài tay thoăn thoắt xòe hàng trăm bó hương tăm rực rỡ dưới nắng, những giàn phơi hương trải dài khắp đường làng.Hương Quảng Phú Cầu nhất định phải được phơi dưới nắng mặt trời mới đủ thơm và chắc. Máy sấy tuy nhanh, không mất nhiều sức lao động và nhân công nhưng lại chẳng giữ được nguyên vẹn mùi hương.
Thời gian phơi hương kéo dài từ 1 đến 2 ngày đến khi hương ngả màu hơi nâu, cầm trên tay không còn thấy ẩm ướt mới là đạt. Nhiều khi trời mưa bất chợt, thời tiết thất thường khiến việc sản xuất vất vả bội phần nhưng người dân nơi đây cũng không quản ngại chỉ vì mong làm ra được những nén nhang chất lượng tốt nhất từ làng Quảng Phú Cầu.
Những que tăm không được tròn, than không đều rồi bị vỡ cũng đều được loại bỏ hoặc tái chế. Có thể coi như mất cả công sức và nguyên liệu làm ra những que hương ấy nhưng không thể giao đến cho khách hàng một sản phẩm không toàn vẹn, ảnh hưởng đến danh tiếng trăm năm ông cha dày công gây dựng.
Không ngừng cải tiến để phát triển làng nghề giữa thị trường bấp bênh
Cũng như nhiều làng nghề khác hiện nay, người dân Quảng Phú Cầu đang không ngừng vận động để chuyển mình thay đổi, thích nghi với thời đại mới, để phát triển và mở rộng làng nghề mà vẫn giữ trọn vẹn nét truyền thống.
Chị Thủy cho biết: “Cải tiến công nghệ không phải là yếu tố duy nhất để phát triển được làng nghề, đầu ra tiêu thụ của sản phẩm và thị trường cũng là yếu tố quan trọng. Từ giá thành sản phẩm đến chi phí thuê nhân công, phí vận chuyển, nhập nguyên liệu đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Đặc biệt, giữ gìn được giá trị thương hiệu hương thơm đặc biệt từ làng nghề truyền thống luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, một nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho các hộ sản xuất cũng sẽ giúp người dân yên tâm trong quá trình làm hương".
Sau khi phơi khô, người dân sẽ bó hương thành từng bó theo định lượng quy định để xuất đi |
Hương Quảng Phú Cầu được tin dùng không chỉ ở Hà Nội mà còn xuất đi các vùng miền trên cả nước. Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác cũng là những thị trường tiềm năng của sản phẩm này. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều bấp bênh.
Mỗi bó hương có khoảng từ 95-100 nén hương |
Chị Thủy cho biết: “Những năm gầm đây, hương xuất khẩu đi các nước có xu hướng giảm. Năm nay thêm cả dịch bệnh hoành hành nhưng rất may thị trường trong nước vẫn ổn định nhờ vào chính sách phòng chống dịch bệnh kịp thời và dập dịch nhanh chóng của Nhà nước”.
Sau trăm năm, từ một nghề chỉ tận dụng thời gian lúc nông nhàn, làm hương đã trở thành nghề chính của hầu hết các hộ dân nơi đây, mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn nhân khẩu.
Không chỉ sản xuất hương tăm truyền thống, người dân còn nhận làm hương theo yêu cầu với những cây hương khổng lồ, có thể cháy được vài ngày |
Nhờ nghề làm hương mà cuộc sống của người dân như đã có nhiều khởi sắc. Đường liên xã bê tông hóa lúc nào cũng tấp nập xe vận chuyển, người phơi tăm hương, tiếng máy móc rồi tiếng thương lái mua bán quanh năm, nuôi sống người dân Quảng Phú Cầu.
Những chính sách tập trung phát triển, gìn giữ làng nghề cùng với sự phát triển và quan tâm của hợp tác xã sẽ là những động lực giúp người dân nơi đây gắn bó mãi và sống khỏe với nghề.
Vĩnh Phúc: Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường tặng quà Tết các gia đình chính sách tại xã Phú Đa Chợ Tết nhân đạo - Tết ấm yêu thương “Về nhà ăn Tết” cùng chương trình “Xuân trao yêu thương” |