Lắng nghe nhà văn Lê Phương Liên kể về "Nữ sĩ thời gió bụi"
"Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nhà văn Đỗ Bích Thúy có bìa bọc vải lanh và thêu tranh |
Các khách mời của buổi giao lưu (gồm: Tác giả, nhà văn Lê Phương Liên; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh; Nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương) sẽ tập trung làm rõ các vấn đề sau: “Thời gió bụi” là thời nào?; Nữ sĩ thời gió bụi – bà Đoàn Thị Điểm – được khắc họa trong cuốn tiểu thuyết dã sử như thế nào?; Quan điểm của các khách mời giao lưu xung quanh nghi vấn về bản dịch "Chinh phụ ngâm".
Nhà văn Lê Phương Liên (áo dài, đứng giữa) cùng đoàn của NXB Phụ nữ VN đi thực tế tại mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm |
Có rất nhiều giai thoại xung quanh nhân vật tài nữ trong sử Việt – bà Đoàn Thị Điểm - nhà văn, nhà võ, nhà giáo, nhà dịch thuật, kiêm nghề bốc thuốc cứu người…
Hiện mộ bà Đoàn Thị Điểm được đặt cạnh mộ chồng là Tiến sĩ Nguyễn Kiều tại làng Phú Xá, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Theo người coi sóc lăng mộ ở đây thì mộ phần của cả ba bà vợ của Tiến sĩ Nguyễn Kiều đều được đặt chung, cạnh mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều, gọi là tam mộ Tứ Liên nhưng chỉ có tên bà Đoàn Thị Điểm được ghi lên bia mộ. Trong đình làng Phú Xá hiện vẫn thờ vợ chồng bà với sự tri ân những người đã góp tiền của xây dựng nên đình làng từ cách đây 300 năm…
Cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn với năm chương mà thâu tóm được toàn bộ cuộc đời đầy biến động của một nhà giáo, một thầy thuốc, một nữ tác gia có tư tưởng, có tầm nhìn sâu rộng, có chính kiến và có một tấm lòng rất mực nhân hậu. Thật khó hình dung về một bà Điểm tài sắc vẹn toàn nhưng không chỉ là cầm kì thi họa mà lại còn có tài… võ nghệ.
Chẳng thế mà trong một lần một mình về quê, khi gặp cướp bà đã làm cho tên cướp hồn bay phách lạc; hay như những lần bà múa bài Hoa mai quyền dưới trăng cùng anh trai Đoàn Doãn Luân khiến bao người trầm trồ thán phục.
Cây gạo, bến sông nơi nữ sĩ Đoàn Thị Điểm từng gắn bó |
Lê Phương Liên đã rất dụng công khi cài cắm các chi tiết làm cầu nối cho các nhân vật có dịp xuất hiện như trong khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, bà đã có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Kiều; tên cướp Đoàn Thị Điểm gặp trên đường về sau trở thành học trò của Hồng Hà nữ sĩ; cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác từng ở với gia đình Đoàn Thị Điểm trước khi tòng quân và bà đã gặp lại cậu em thân thiết này khi tiễn chồng đi sứ.
Tài năng hiếm có, tấm lòng nhân hậu của bà đã cảm hóa và gây ấn tượng mạnh với tất cả những người có cơ hội được gặp gỡ với bà – từ Thượng thư Lê Anh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Kiều, cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác, Đặng Trần Côn, Nguyễn Nghiễm đến các học trò, người dân làng quê bà cũng như quê chồng khi bà cùng dân làng chữa trị bệnh cho các thương binh trong chiến trận…
Đan cài vào diễn biến cuộc đời của Đoàn Thị Điểm, tác giả cũng khéo léo bàn về tài năng văn chương thiên phú, khả năng đồng cảm và chiêm nghiệm sâu sắc của nữ sĩ ngay từ thuở nhỏ, để nàng ứng tác thơ văn, sáng tác truyện kì ảo và dịch Nôm "Chinh phụ ngâm" một cách thần tình.
Ảnh chụp cuốn sách "Nữ sĩ thời gió bụi" trong khuôn viên mộ bà Đoàn Thị Điểm |
Song hành với các tuyến nhân vật chính gắn liền với cuộc đời Đoàn Thị Điểm như Đoàn Doãn Luân (người anh gắn liền với tuổi thơ), Tiến sĩ Nguyễn Kiều (phu quân tri kỉ), tác giả còn dựng nên một nhân vật phụ nhưng lại rất quan trọng, thể hiện trí tưởng tượng và sáng tạo của người viết: đó là Trần võ sư.
Đây là người nô bộc (vốn là hoạn quan) theo suốt cuộc đời Đoàn Thị Điểm với một lòng trung thành, tận tụy nhưng đằng sau đó là một tình yêu tha thiết, sâu nặng mà đến tận cuối truyện người đọc mới vỡ lẽ ra nhờ những đoạn độc thoại nội tâm xúc động của nhân vật này khi chứng kiến giây phút Hồng Hà nữ sĩ rời xa cõi tạm.
Vì những chi tiết nhỏ như thế mà Nữ sĩ thời gió bụi cứ thế đi vào lòng người, khắc họa chân dung Đoàn Thị Điểm rất “người”, sinh động và gần gũi.
Viết về một nhân vật lịch sử có tầm vóc là điều không hề dễ dàng. Viết về một người phụ nữ ba trăm năm trước sống trong lễ giáo phong kiến hà khắc đã mang đầy tư tưởng nữ quyền lại càng là một thử thách. Lê Phương Liên đã tìm ra cho mình một cách tiếp cận dân dã mà đầy thuyết phục để đưa người đọc vào chuyến phiêu lưu, trải nghiệm đầy đủ nhân tình thế thái của một nữ sĩ thời gió bụi đầy xúc động và nhân văn.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kí tặng độc giả bản đặc biệt "Đảo mộng mơ" |
"Người kép già" - di sản chữ, di sản người của nhà văn Kim Lân |
Nhà văn Di Li "Cô đơn trên Everest" |