"Người kép già" - di sản chữ, di sản người của nhà văn Kim Lân
Nhà văn Di Li "Cô đơn trên Everest" |
Kim Lân thuộc về thế hệ nhà văn gạo cội, thành danh trên văn đàn từ trước Cách mạng Tháng Tám. Các tác phẩm của ông, với góc nhìn hiện thực nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần nhân văn, đã luôn được yêu mến và trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc. Truyện ngắn Kim Lân từ lâu cũng đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông.
Ấn phẩm "Người kép già" của nhà văn Kim Lân |
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết ở Lời giới thiệu cuốn "Người kép già": “Kim Lân giã từ thế gian và để lại cho chúng ta hai di sản: di sản chữ và di sản người. Cách sống, ngôn ngữ và hành xử của ông đối với cuộc đời này luôn luôn là những trang viết đau đớn, yêu thương và kiêu hãnh".
Những tác phẩm được lựa chọn in trong ấn phẩm này đều là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Kim Lân. Đó có thể là những trang viết đau đáu hiện thực với cảnh làng quê Bắc Bộ trong sự bủa vây của cái đói, cái nghèo, với những phận người nhiều đau khổ, như trong "Đứa con người vợ lẽ", "Đứa con người cô đầu", "Vợ nhặt"…
Đó cũng có thể là lát cắt về cái đẹp của một thời quá vãng với những “nghề chơi” đòi hỏi lắm công phu như nghề chơi chó săn, chọi gà, chơi chim… hay những dấu ấn văn hóa như tuồng cổ… trong "Người kép già", "Đôi chim thành", "Con Mã Mái", "Chó săn", "Cầu đánh vật"… Muộn hơn, là những trang viết về cách mạng, về cải cách ruộng đất với không ít đớn đau nhưng cũng không thiếu niềm tin, trong "Làng", "Nên vợ nên chồng", "Ông lão hàng xóm".
Nhà văn Kim Lân |
Đặc biệt, trong số 18 truyện ngắn và vừa, có hai tác phẩm thường được coi là dành cho thiếu nhi, đó là "Ông Cản Ngũ" và "Anh chàng hiệp sĩ gỗ". Đây là hai tác phẩm lấp lánh ánh sáng nhân văn đẹp đẽ, với hình ảnh con người luôn trong tư thế vươn lên, hướng thiện, đầy mạnh mẽ và kiêu hãnh.
Cuộc sống, xã hội, phong tục, văn hóa… có thể đã đổi thay nhiều kể từ ngày những tác phẩm đầu tay của Kim Lân được đăng trên các tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Dù thời gian và cuộc đời có biến thiên đến đâu, “những trang viết đau đớn, yêu thương và kiêu hãnh” với lối viết hồn hậu của Kim Lân vẫn luôn có thể chạm đến trái tim người đọc mọi thế hệ.
Họa sĩ Thành Chương ký tặng sách "Người kép già" của nhà văn Kim Lân cho độc giả |
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã giới thiệu đến bạn đọc chân dung văn học Kim Lân bằng những lời đầy thấu hiểu và trân trọng. Qua đó, bạn đọc sẽ thêm hiểu về tác giả và cuốn sách mình cầm trên tay: “Những tác phẩm trong cuốn sách này của ông là những câu chuyện đời sống của gần một thế kỷ trước nhưng tất cả vẫn như vừa diễn ra.
Ngôn ngữ và những thông điệp chứa đựng bên trong những câu chuyện của ông vẫn rực ấm như một dòng máu chảy trong cơ thể thời gian mà những người đương thời đang sống trong đó. Mọi hình thức xã hội luôn thay đổi nhưng bản chất của kiếp người không thay đổi, mọi ngôn ngữ có thể thay đổi nhưng bản chất của tình yêu thương con người và cái Thiện không hề thay đổi. Văn chương của nhà văn Kim Lân thuộc về những điều không thể thay đổi ấy".
Minh họa của họa sĩ Thành Chương |
Đặc biệt, trong ấn phẩm này còn có những minh họa của Thành Chương. Là một trong những họa sĩ tên tuổi hàng đầu của hội họa Việt Nam đương đại, đồng thời là con trai của nhà văn Kim Lân, họa sĩ Thành Chương cùng những minh họa của ông trong cuốn sách này giống như một cây cầu, kết nối nhà văn và độc giả, xưa và nay, truyền thống và hiện đại.
18 minh họa mang hồn cốt của 18 tác phẩm văn học, thể hiện thành công bằng ngôn ngữ hội họa, sẽ đem đến cho người đọc một trải nghiệm thú vị khi lật mở từng trang sách.
"Người kép già" còn là một ấn phẩm chỉn chu, trang nhã với bìa cứng, có áo, 340 trang, được in màu toàn bộ bằng công nghệ mực vi sinh trên giấy chất lượng cao, khổ 16 x 24cm. Đây là cuốn sách tâm huyết và đầy trân trọng dành cho bất cứ ai yêu mến văn học Việt Nam, yêu mến văn chương Kim Lân.
Ngoài những bản bìa cứng phổ thông, cuốn sách sẽ có thêm 370 bản giới hạn đánh số từ DA 001 đến DA 365. Đặc biệt, Đông A còn ấn hành 101 bản kỷ niệm 100 năm (1920 - 2020) ngày sinh nhà văn Kim Lân, để trong hộp sơn mài với nắp hộp in tranh minh họa “Người kép già”, kèm tranh sơn mài “Anh chàng hiệp sĩ gỗ” của họa sĩ Thành Chương.
Nhà văn Kim Lân (1920 - 2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, nay là phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1942, Kim Lân trình làng truyện ngắn đầu tay "Đứa con người vợ lẽ", từ đó nhanh chóng xác lập tên tuổi trên văn đàn và trở thành cây bút quen thuộc của các tờ Trung Bắc chủ nhật và Tiểu thuyết thứ bảy. Một số truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân như "Làng", "Vợ nhặt" được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông… Ở tuổi xế chiều, Kim Lân bén duyên với điện ảnh và để lại dấu ấn khó phai với vai diễn Lão Hạc trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" và vai Lý Cựu trong phim "Chị Dậu". Năm 2001, nhà văn Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vì những đóng góp cho nền văn học nước nhà. |