Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với cán bộ chủ chốt Agribank
Tham dự buổi làm việc, về phía NHNN Việt Nam có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam; Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam; Các đồng chí Phó Thống đốc NHNN: Đoàn Thái Sơn, Phạm Tiến Dũng, Phạm Quang Dũng; Các đồng chí Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN Việt Nam.
Về phía Agribank có đồng chí Phạm Đức Ấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên; đồng chí Phạm Toàn Vượng - Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc; Các đồng chí là Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy; Thành viên Hội đồng Thành viên, Phó Tổng giám đốc; Trưởng Ban và các Thành viên Ban Kiểm soát; Kế toán trưởng; Lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng ủy; Lãnh đạo các uỷ ban, ban, trung tâm, đơn vị tại trụ sở chính, các đơn vị sự nghiệp và công ty con trực thuộc.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến tình hình để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng…
Thống đốc NHNN đánh giá, hoạt động của ngành Ngân hàng đảm bảo ổn định, các chỉ tiêu duy trì tăng trưởng tốt; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp được chú trọng… Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng đang phải đối phó với nhiều thách thức, như những khó khăn về tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, tội phạm công nghệ cao... Do đó, chương trình làm việc với lãnh đạo chủ chốt Agribank nhằm trao đổi, nắm bắt cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh Agribank, từ đó chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Tại buổi làm việc, Ban lãnh đạo Agribank đã báo cáo một số kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, Agribank luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2024 của NHNN, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Cụ thể, Agribank đã linh hoạt điều hành công tác huy động vốn bám sát chỉ đạo của NHNN, phù hợp với diễn biến thị trường: Tập trung cơ cấu lại nguồn vốn về kỳ hạn, lãi suất; điều chỉnh giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng… Đến 30/6/2024, vốn huy động thị trường đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng.
Trong hoạt động tín dụng, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả: Thay đổi mạnh mẽ tư duy trong quan hệ với khách hàng, đặc biệt trong công tác tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút đối với các khách hàng có phương án/dự án kinh doanh khả thi, có hiệu quả; Thường xuyên tổ chức, tham gia các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Triển khai đa dạng các chương trình/sản phẩm tín dụng phù hợp với từng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hướng tới tính đặc thù cho từng địa phương, vùng miền; khuyến khích khách hàng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng; Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan theo chủ trương của Chính phủ, NHNN; Kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; Chủ động giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5% - 2%, đặc biệt đối với các khoản giải ngân mới; lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 1-2,5%...
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, dư nợ tín dụng của Agribank tăng trưởng tích cực. Đến 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,59 triệu tỷ đồng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch phù hợp, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Agribank dành khoảng 195.000 tỷ đồng để triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với nhiều đối tượng khách hàng: Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư trung, dài hạn, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP, khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng... Các chương trình, chính sách tín dụng đạt hiệu quả, góp phần ổn định thị trường, giải quyết những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng với đó, các công tác tổ chức, cán bộ, tiền lương, chế độ cho người lao động; công tác đảm bảo an toàn tiền tệ, kho quỹ; công tác kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin, hoạt động thanh toán, dịch vụ ngân hàng; chiến lược phát triển CNTT, chuyển đổi số… cũng được Agribank thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.
Tại buổi làm việc, các Phó Thống đốc NHNN và các đại biểu tham dự đã trao đổi, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy mạnh hoạt động trong các lĩnh vực: chính sách tiền tệ, tín dụng; giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, ngành Ngân hàng; tăng cường công tác quản trị hoạt động, phòng ngừa, nhận diện, cảnh báo, xử lý rủi ro, đảm bảo an toàn của ngân hàng...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Agribank trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh, các nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian qua và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động; Luôn tiên phong, đi đầu, phát huy tốt vai trò chủ đạo trong triển khai các chủ trương, chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, đặc biệt là trong hoạt động cho vay và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn; Là một trong các ngân hàng có tiến độ xây dựng, trình NHNN phê duyệt phương cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 sớm nhất. Đến nay, Agribank đã triển khai đồng bộ 11 nhóm mục tiêu, giải pháp và bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực.
Đồng thời, Agribank luôn chú trọng, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán. Bên cạnh đó, Agribank luôn đi đầu trong công tác hỗ trợ an sinh xã hội theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; Công tác quản trị hoạt động, công tác tổ chức, cán bộ, công tác Đảng, đoàn thể… cũng đang được Agribank nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, tập thể lãnh đạo và cán bộ, người lao động Agribank cần tiếp tục nỗ lực, phát huy lợi thế và thành quả đã đạt được để biến thách thức thành cơ hội, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Thống đốc NHNN nhấn mạnh, Agribank cần tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo NHTM 100% vốn Nhà nước trong việc dẫn dắt thị trường, đi đầu trong thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ và của Ngành về tiền tệ, tín dụng và tiếp tục giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất, công khai, minh bạch các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, cần có các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để đảm bảo thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN giao; Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương chủ động nắm bắt và tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, thực chất; Nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông để truyền tải sâu rộng các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ về tín dụng, lãi suất…
Về công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, Agribank cần triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra và góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trong công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin và hệ thống thanh toán, Agribank cần quan tâm hoàn thiện các quy định, quy trình, thủ tục nội bộ để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thanh toán; Tập trung xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu để bảo đảm hoạt động ngân hàng thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn; Thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với yêu cầu hoạt động (đặc biệt là đối với công tác quản trị rủi ro) và các quy định hiện hành; tập trung nguồn lực hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này; Triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu toàn hệ thống Agribank bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao sau buổi làm việc, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đi đầu của NHTM 100% vốn Nhà nước, đóng góp quan trọng vào kết quả hoạt động chung của ngành Ngân hàng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.