Lập các tổ công tác đặc biệt quyết liệt vận động tiêm vắc xin COVID-19
Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán với sự xuất hiện của nhiều biến chúng mới.
Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vắc xin COVID-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường; Tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng.
Ảnh minh họa |
Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron như BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc.
Tỷ lệ tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng đã tăng sau một thời gian chững lại nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin nhất là cho trẻ em còn thấp.
Cùng với đó là nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài của các dịch bệnh truyền nhiễm như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...
Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết; Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tập trung triển khai các nhiệm vụ như quán triệt các quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về tăng cường công tác tiêm vắc xin COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh đậu mùa khác.
Khẳng định vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19 để đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin và hoàn thành để hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho các lứa tuổi; Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chỉ đạo thành lập các Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của chính quyền địa phương, ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc vận động và rà soát đối tượng tiêm chủng.
Ngoài ra, tăng cường tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tại nhà, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỉ lệ tiêm thấp, tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin và phòng, chống dịch.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở để tuyên truyền về tiêm vắc xin và chỉ đạo thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu tiêm chủng đảm bảo thường xuyên, kịp thời, đầy đủ.
Tại văn bản này, Bộ Y tế cũng đề nghị các Sở Y tế, các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư, nhân lực y tế cho công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, các địa phương củng cố lực lượng làm công tác phòng chống dịch và tiếp tục động viên, cải thiện chế độ điều trị cho đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn; Chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính phối hợp thực hiện đúng, đầy đủ các chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc chỉ cấp kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm cao, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Các đơn vị tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới của COVID-19; Thường xuyên đánh giá, phân tích tình trạng và yếu tố rủi ro; Chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch ứng phó và thực hiện ứng phó với mọi tình huống của dịch.
Đồng thời chủ động tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, có hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch, đặc biệt là công tác tiêm vắc xin COVID-19.
Các địa phương tiếp tục tổ chức tốt công tác phân luồng, thu gom vật tư cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị kịp thời ca bệnh, đặc biệt chú ý nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Ngoài ra, các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; Chủ động tăng cường chỉ đạo tuyến dưới, hỗ trợ tuyến dưới tổ chức phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế...