Hiệu lực của vắc xin COVID-19 giảm nhanh sau 3-5 tháng
Bệnh nhân nặng tiếp tục gia tăng
Bộ Y tế cho biết ngày 8/9 có 3.191 ca mắc mới COVID-19. Trong ngày có hơn 8.500 bệnh nhân khỏi, cao gấp hơn 2,5 lần số mắc mới; 1 bệnh nhân tại Quảng Ninh tử vong. Đây cũng là ngày thứ 7 liên tiếp ghi nhận từ 1-2 trường hợp tử vong mỗi ngày tại một số địa phương.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.431.823 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.186 ca nhiễm).
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 ở nước ta thời gian qua |
Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi đến nay là: 10.261.401 ca; Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.127.298 trường hợp, trong đó có 154 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 139; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5; Thở xâm lấn: 10.
Từ 17h30 ngày 7/9 đến 17h30 ngày 8/9 ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.126 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tổng hợp trong 7 ngày trở trở lại đây có khoảng 17.500 ca mắc mới, như vậy trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng hơn 2.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 ngày liên tiếp ca mới vượt mốc 3.000; Số bệnh nhân nặng đang điều trị cũng gia tăng trong 3 ngày nay khoảng 150 bệnh nhân/ngày. Tại nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể phụ mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn.
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Do đó, Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Nhiều tỉnh vẫn tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 và 4 chậm, thấp hơn tỷ lệ chung cả nước
Bộ Y tế thông tin cập nhật về tình hình tiêm vắc xin COVID-19 cho biết, số mũi tiêm thực hiện trong ngày là 400.774 tại 44 tỉnh, thành phố, trong đó 276.212 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 124.562 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3: Tổng số có 50.286.120 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 77,1%) tăng 0,1% so với ngày trước đó, trong ngày có 37 tỉnh triển khai với 51.605 người được tiêm.
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (57,6%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,9%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (59,4%); 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).
Ảnh minh họa |
Tiêm mũi 4: Tổng số có 14.807.088 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 78,1%) tăng 0,7% so với ngày trước đó, trong ngày có 38 tỉnh triển khai với 127.823 người được tiêm.
5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (49,2%); Phú Yên (60,2%); TP Hồ Chí Minh (51,1%); Đồng Nai (55,4%); Tây Ninh (55,4%); 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (99,2%); Bắc Giang (99,6%); Nam Định (98,8%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 3: 4.712.094 trẻ (đạt tỷ lệ 54,6%) tăng 0,6% so với ngày trước đó.
5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (30,8%); Phú Yên (17,8%); TP Hồ Chí Minh (31,3%); Bà Rịa - Vũng Tàu (16%); Đồng Nai (25,1%); 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (93,5%); Kon Tum (90,1%); Sóc Trăng (91,2%).
Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 25 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc xin COVID-19 đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.972.133, trong đó mũi 1: 9.594.466 trẻ (đạt tỷ lệ 85,9%) tăng 0,7%;
5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (70,9%); Đà Nẵng (61%); Quảng Nam (72%); TP Hồ Chí Minh (57,1%); Bà Rịa - Vũng Tàu (67,7%); 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Tuyên Quang (98,2%); Vĩnh Long (97,9%).
Mũi 2: 6.377.667 trẻ (đạt tỷ lệ 57,1%) tăng 0,9% so với ngày trước đó. 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (21,9%); Quảng Nam (23,5%); Bình Thuận (40,8%), TP Hồ Chí Minh (31,3%); Bà Rịa - Vũng Tàu (39,2%); 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (90,6%); Sóc Trăng (94,8%); Cà Mau (87,8%).
Các chuyên gia cũng cho hay các nghiên cứu cũng cho thấy, những người mắc bệnh nền, người cao tuổi miễn dịch sẽ giảm nhanh hơn so với người bình thường. Vì vậy, việc tiêm mũi 3 và 4 cho đối tượng này sẽ giúp phục hồi miễn dịch.