Liên hợp quốc cảnh báo đây là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử
Australia vừa trải qua tháng 10 nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình cao hơn 2,17 độ C. Ảnh: SciTechDaily
Trong đó, năm 2019 có thể là một trong ba năm nóng nhất lịch sử.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiệt độ toàn cầu đã ở mức cao hơn 1,1 độ C so với nhiệt độ trung bình thời kỳ tiền công nghiệp theo báo cáo của tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).
Theo số liệu thống kê, hơn 10 triệu người đã phải di dời trong nửa đầu năm 2019, trong đó 7 triệu người phải chịu tác động từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán, lũ lụt.
Tháng 10 vừa qua, mực nước biển trên toàn cầu cũng tăng lên mức kỷ lục, do sự tan chảy của 329 tấn băng tại Greenland ở Bắc Cực trong suốt một năm.
WMO ước tính đến cuối năm nay, số người phải di tản do thời tiết cực đoan sẽ tăng lên 22 triệu người.
Khí phát thải từ các hoạt động đốt nhiên liệu hoá thạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng trọt và vận chuyển hàng hóa khiến năm 2019 có nguy cơ phá kỷ lục về mật độ carbon trong khí quyển.
Trong khi đó, các đại dương, vốn hấp thụ tới 90% lượng nhiệt từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng đang ghi nhận mức nhiệt kỷ lục.
Các vùng biển trên thế giới có mức axít nhiều hơn 25% so với cách đây 150 năm, đe dọa hệ sinh thái biển mà hàng tỷ người trên thế giới đang phụ thuộc để kiếm sống.
Biến đổi khí hậu không còn là hiện tượng mà các thế hệ tương lai phải đối mặt, mà hiện tại hàng triệu người đang phải gánh chịu tổn hại do những tác động từ hoạt động khai thác và tiêu thụ của con người gây ra.
Bài liên quan
Nước sông Mekong đột ngột chuyển màu lạ
Các nhà khoa học tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu
Nền nhiệt cao nhất lịch sử tại xứ sở chuột túi
Nắng nóng kỷ lục lan rộng khắp thế giới