Liên hợp quốc cảnh báo khủng hoảng lương thực toàn cầu
Đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức về an ninh lương thực đối với các quốc gia nghèo (Ảnh: Xinhua)
Bài liên quan
Liên hợp quốc kêu gọi đoàn kết chống đại dịch Covid-19
Các quốc gia cùng chung tay hành động vì môi trường tự nhiên
Liên hợp quốc cảnh báo đây là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử
Lãng phí thực phẩm, vấn đề của toàn cầu
Theo thống kê của UN, hơn 820 triệu người đang ở trong tình trạng thiếu ăn, trong khi khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương hơn 1/5 số trẻ em toàn cầu, mắc chứng còi cọc.
Tổng Thư ký Guterres dự báo năm nay sẽ có thêm khoảng 49 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực do khủng hoảng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Ông cảnh báo nếu thế giới không hành động ngay lập tức, tình trạng khẩn cấp về lương thực toàn cầu có thể gây ra những hệ lụy lâu dài cho hàng trăm triệu người, bao gồm trẻ em.
Một trong những thách thức với các nước hiện nay là quá trình sản xuất và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Điều này khiến gia tăng chi phí trong nền kinh tế, tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, làm suy giảm luồng đầu tư, tiêu dùng và tăng trưởng trong dài hạn.
Mặt khác, đại dịch Covid-19 đang khiến cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm trên thị trường trở nên khan hiếm hơn, khi các loại hàng hóa này bị tắc nghẽn tại các cảng biển và cửa khẩu.
Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã xác định được 26 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì mất an ninh lương thực do dịch Covid-19, trong đó, Ethiopia, Nigeria và Mozambique là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở Châu Phi. Chỉ riêng 3 quốc gia trên, WFP ước tính có đến 56 triệu người đang phải sống trong tình trạng không có đủ nguồn thực phẩm cần thiết mỗi ngày. Thêm vào đó, có đến 350 triệu trẻ trong tổng số 1,5 tỷ trẻ em khắp thế giới đang phải dựa vào bữa ăn được cung cấp trong các trường học để khỏi bị đói.
Theo WFP, mất an ninh lương thực khẩn cấp là tình trạng thiếu lương thực khiến cuộc sống hoặc sinh kế của một người gặp nguy hiểm ngay lập tức. Điều này nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu ăn trong nhiều năm - khái niệm định nghĩa việc một người không thể tiêu thụ đủ thực phẩm để duy trì cuộc sống bình thường.
WFP cũng cảnh báo dịch Covid-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người năm 2019 lên tới 265 triệu người vào cuối năm 2020.