Lo ngại hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19, hàng trăm triệu người bỏ thuốc lá
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19, nhất là ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí. |
Nhiều bằng chứng liên quan giữa sử dụng thuốc lá với đại dịch Covid-19. Những người sử dụng các sản phẩm thuốc lá (thuốc lá điếu, thuốc lào, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha,...) có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn khi nhiễm Covid-19.
Covid-19 tấn công và làm suy yếu phổi khiến những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tổ chức và chuyện gia y tế công cộng hang đầu lo ngại rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn nếu mắc Covid-19.
Nhiều bằng chứng liên quan giữa sử dụng thuốc lá với đại dịch Covid-19. |
Hút thuốc lá làm hỏng và tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động phổi. Các bệnh về phổi do hút thuốc là một trong những nguyên nhân khiến người hút có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn khi được chẩn đoán mắc Covid-19.
Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021 WHO chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.
Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.
Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh/TP năm 2020 cho thấy, một số tỉnh/TP có tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm so với năm 2015 (từ 2,5% đến 12%) như: Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang.
Tại Việt Nam, thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) trong thời gian qua với sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác PCTHTL. Hoạt động PCTHTL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Một số tỉnh/TP có tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc giảm (từ 8,8% đến 33,2%) so với năm 2015 như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Nam, Tiền Giang.
Một số tỉnh/TP có tỷ lệ tiếp xúc với khói thuốc tại cơ sở y tế giảm (từ 3,4% đến 9,6%) so với năm 2015 như: Đồng Tháp, Hải Phòng, Quảng Nam.
Về tỷ lệ hiểu biết về tác hại của việc sử dụng thuốc lá cao với 95,5% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm.
Tỷ lệ người biết về Luật PCTH thuốc lá là 65,2%. Chỉ tính riêng trong 2019-2020 đã có gần 22.000 trường học, 3.826 nhà máy 377 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá .
Nhiều bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia và triển khai các hoạt động PCTH thuốc lá...
Hưởng ứng NgàyThế giới không hút thuốc lá 31/5 và Tuần lễ không hút thuốc lá từ 25/5-31/5, nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm tuyên truyền về tác hại của thuốc lá như: Tổ chức cuộc thi Phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trên nền tảng mạng xã hội TikTok; phát động chiến dịch khách sạn, nhà hàng không khói thuốc; nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và định hướng kế hoạch hoạt động về tổ chức cai nghiện thuốc lá được tổ chức; tại nơi làm việc nhiều hoạt động được thực hiện như lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá trong cuộc họp của cơ quan, đơn vị, đưa các tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc làm tiêu chuẩn thi đua của công chức, viên chức, người lao động….