“Loạn” đào tạo nghề thẩm mỹ không phép - Bài 5: Cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc
“Núp bóng” cơ sở làm đẹp, Viện thẩm mỹ Khơ Thị đang có dấu hiệu hoạt động đào tạo thẩm mỹ vượt phép?
Bài liên quan
Bài 4: Học viện thẩm mỹ quốc tế MIU đào tạo trước khi cấp phép?
TP HCM: “Loạn” đào tạo nghề thẩm mỹ không phép - Bài 3: Lộ bất cập trong công tác quản lý
Bài 2: Hệ lụy sau những tấm bằng đào tạo “siêu tốc”
Bài 1: Nhiều cơ sở vô tư quảng cáo, chiêu sinh học viên công khai
Thiếu quyết liệt?
Trước đó, UBND TP HCM đã có văn bản gửi các Sở, ngành và UBND các quận, huyện về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP. Trong đó, UBND TP HCM yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép đối với các cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (thêu, phun, xăm trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon)…; Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm, rút giấy phép, chất dứt hoạt động đối với các cơ sở quảng cáo, đào tạo, hoạt động dịch vụ thẩm mỹ không phép.
UBND TP giao Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra đối với các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thực hiện hậu kiểm sau công bố đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên toàn TP; Xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không phép, cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, cơ sở vi phạm về quảng cáo khám, chữa bệnh, kể cả đề nghị các cơ quan có thẩm quyển xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật nếu vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng.
UBND TP HCM cũng giao Sở LĐTB&XH tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo ngành nghề liên quan dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ xoa bóp; Xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở đào tạo có vi phạm theo đúng quy định; Kiên quyết không để cơ sở đào tạo không phép, đặc biệt ngành nghề đào tạo liên quan đến lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.
Trường đào tạo Cali có dấu hiệu đào tạo vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp trong giấy phép |
Trên tinh thần chỉ đạo đó, rất nhiều đơn vị, ban, ngành liên quan đã vào cuộc. Sở Y tế cũng đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát và siết chặt công tác quản lý liên quan đến lĩnh vực phụ trách và bước đầu đã có những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, khác với Sở Y tế, ở lĩnh vực đào tạo nghề thẩm mỹ (thuộc thẩm quyền của Sở LĐTB&XH quản lý) lại tỏ ra khá yên ắng, công tác thanh kiểm tra sau cấp phép vẫn chưa thực sự quyết liệt. Thậm chí, ngay cả sau thời điểm báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng tải loạt bài viết phản ánh về tình trạng “loạn” đào tạo nghề thẩm mỹ không phép xảy ra ngay trên địa bàn TP HCM thì việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của Sở LĐTB&XH dường như vẫn còn bỏ ngỏ. (?!)
Thực trạng bát nháo
Theo danh sách từ Sở LĐTB&XH (tính đến thời diểm ngày 10/12/2019), trên địa bàn TP HCM hiện có 81 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đào tạo thẩm mỹ (bao gồm các công ty, trung tâm, trường trung cấp). Phần lớn các cơ sở được cấp phép chủ yếu đào tạo về ngành chăm sóc da, trang điểm, làm móng… Chỉ có 7 đơn vị được cấp phép đào tạo ngành phun, xăm, thêu trên da (không sử dụng thuốc gây tê ở dạng tiêm).
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên được biết, hiện có rất nhiều cơ sở đào tạo thẩm mỹ chưa được cấp phép vẫn vô tư quảng cáo, chiêu sinh học viên công khai trên các website, mạng xã hội nhằm thu hút người tham gia. Thậm chí, không ít cơ sở còn đăng tuyển cả những khóa học đào tạo về tiêm truyền, tiêm filler – botox, phi kim, lăn kim…gây nên tình trạng “bát nháo” về loại hình này.
Việc các cơ sở này công khai tuyển sinh đào tạo trên các phương tiện truyền thông không khó để khách hàng và cơ quan chức năng tiếp cận. Ngay tại các quận trung tâm như: Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 10… tình trạng đào tạo không phép, vượt phép vẫn diễn ra khá rầm rộ, thế nhưng cơ quan chức năng chưa thật sự mạnh tay xử lý.
Riêng địa bàn Quận 1, theo danh sách của Sở LĐTB&XH chỉ có 8 cơ sở được cấp giấy phép đào tạo. Trong đó, có 6 cơ sở được cấp phép đào tạo về ngành chăm sóc da, 1 cơ sở đà0 tạo về ngành trang điểm và nhiếp ảnh. Duy nhất chỉ có 1 đơn vị là được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về ngành phun, thêu, xăm trên da. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên cho thấy, không ít cơ sở thẩm mỹ, ngoài vỏ bọc là spa, thẩm mỹ viện nhưng bên trong thì vẫn âm thầm tuyển sinh, đào tạo học viên.
Đơn cử, Viện thẩm mỹ Khơ Thị (thuộc Công ty CP Khơ Thị Skincare & Clinic – Chi nhánh tại 92 Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, Quận 1) là một trong những cơ sở thẩm mỹ có tiếng trên địa bàn, nhưng trên website: https://www.vienthammykhothi.vn vẫn thường xuyên đăng tải các thông tin, hình ảnh tuyển sinh học viên với các ngành đào tạo như: Điêu khắc – phun xăm thẩm mỹ; Chăm sóc da ngay tại địa chỉ của thẩm mỹ viện dưới tên gọi “Học viện K&T Microblanding Training”, trong khi danh sách các cơ sở được cấp phép không hề có tên đơn vị này.
Vào cuộc tìm hiểu, ngày 23/12, trong vai học viên đang có nhu cầu học nghề thẩm mỹ, phóng viên được 2 nhân viên (1 nam, 1 nữ) của cơ sở Khơ Thị trực tiếp tư vấn. Theo nữ nhân viên tên H. xác nhận, cơ sở có nhận đào tạo khóa học về phun, xăm và chăm sóc da. Thời gian đào tạo từ 6 – 9 tuần, học từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (tùy chọn các buổi học sáng – chiều). Giảng viên đều là người của Khơ Thị trực tiếp giảng dạy.
Cũng theo nữ nhân viên này cho biết, sau khi tốt nghiệp sẽ cấp cho học viên một chứng chỉ đào tạo do chính cơ sở này cấp. Tuy nhiên, khi được hỏi sẽ học ở đâu thì nhân viên này không nói ngay mà hứa hẹn khi nào đăng ký học xong mới báo lớp, địa điểm và thầy cô giảng dạy cụ thể. Theo nhân viên này tiết lộ, mức học phí cho mỗi khóa học phun, xăm có giá là 55 triệu đồng; Khóa chăm sóc da là 45 triệu đồng. Nếu học viên đăng ký học trong thời gian này sẽ được giảm 20%/khóa học.
Được biết trước đó, Viện thẩm mỹ Khơ Thị từng bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 25 triệu đồng về hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng hoặc quá phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Tương tự, một cơ sở khác có tên Học viện thẩm mỹ quốc tế MIU (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Giáo dục MIU Academy – địa chỉ: 16D Nguyễn Văn Giai, phường Đakao, Quận 1), từng được báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh về vấn đề đào tạo này. Tuy nhiên, chưa đầy 10 ngày sau khi đăng tải bài viết đầu tiên, cơ sở này bất ngờ được Sở LĐTB&XH cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với ngành đào tạo chăm sóc da.
Cơ sở Học viện thẩm mỹ Quốc tế MIU |
Điều khó hiểu, mặc dù đã được cấp phép vào ngày 15/11/2019, nhưng theo danh sách công bố của Sở LĐTB&XH vào ngày 10/12/2019 lại không hề có tên đơn vị này. (?)
Trong khi việc cấp giấy phép đào tạo cho Học viện thẩm mỹ quốc tế MIU vẫn còn nhiều nghi vấn và phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ đến Sở LĐTB&XH để được tiếp cận thông tin, tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ Sở này.
Vô tư quảng cáo dịch vụ vượt phép
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh những cơ sở hoạt động không phép, hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở mặc dù đã được cấp phép nhưng lại quảng cáo tuyển sinh đào tạo các ngành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp trong giấy phép.
Có thể kể đến một số trường hợp cụ thể như: Trung tâm đào tạo thẩm mỹ Main Beauty (360 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10); Trường đào tạo thẩm mỹ Ana (số 5 Trần Thị Nghỉ, Phường 7, quận Gò Vấp); Trường thẩm mỹ Cali (167 Võ Văn Tần, Phường 5, Quận 3)… Những cơ sở này đều được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với ngành đào tạo chủ yếu là chăm sóc da, trang điểm, cắt uốn tóc… Tuy nhiên, trên website của đơn vị mình, các cơ sở này vẫn thường xuyên đăng tuyển các khóa học về ngành thêu, phun, xăm thẩm mỹ một cách công khai.
Trung tâm đào tạo thẩm mỹ Main Beauty mặc dù chỉ được cấp phép đào tạo về chăm sóc da, thế nhưng bảng hiệu và website thì vẫn quảng cáo tuyển sinh cả ngành phun, xăm |
Theo Sở Y tế TP HCM, đối với ngành nghề liên quan đến thêu, phun, xăm thẩm mỹ thì người thực hiện hoạt động thẩm mỹ phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Qua đó, trường hợp những cơ sở này chưa được cơ quan chức năng cấp phép đào tạo liên quan đến ngành thêu, phun, xăm nhưng lại rầm rộ tuyển sinh và thu tiền học phí của học viên là có dấu hiệu của việc đào tạo “chui”, cần xử lý.
Trước tình trạng “loạn” đào tạo nghề thẩm mỹ không phép, dư luận mong muốn cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc xử lý, chấn chỉnh thực trạng “bát nháo” trên.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.