Lời cảnh báo cho sự bất cẩn của người lớn
Phòng tránh tai nạn của trẻ nhỏ ở chung cư
Vụ việc bé gái 3 tuổi rơi xuống từ tầng 12 chung cư PVV Vinapharm, số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Trong đoạn clip xuất hiện trên mạng, em bé đã đã trèo qua lan can ngoài ban công rồi ngã xuống từ tầng 12 của tòa nhà và may mắn được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1990, trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) đỡ ở phía dưới nên chỉ bị thương ở tay và chân.
Hình ảnh bé gái bị rơi từ tầng 12 xuống được cắt từ trong đoạn clip xuất hiện trên mạng |
Trong những năm gần đây, các vụ tai nạn trẻ bị ngã từ tầng cao chung cư xảy ra rất nhiều và có những cháu đã không được may mắn như em bé kể trên. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo các gia đình về việc xây dựng biện pháp an toàn cho trẻ nhỏ.
Thực tế, ban công và cửa sổ trên tầng cao các chung cư đang trong tình trạng “mỗi nơi một kiểu”. Bởi khi bàn giao nhà hầu hết các chủ đầu tư xây dựng ban công bằng sắt, Inox đều có các thanh nằm ngang, khiến trẻ nhỏ dễ dàng trèo lên, hoặc thiết kế thanh dọc nhưng khoảng cách giữa các thanh lớn, trẻ dễ chui lọt qua, trong khi bên trên lan can không có lưới an toàn.
Các khu chung cư, nhà cao tầng đều thi công theo đúng quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05: 2008 “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe” do Bộ Xây dựng ban hành. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1m); Phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm…
Nhiều gia đình thiết kế bàn ghế làm nơi thư giãn, làm đẹp cho ban công nhưng vô tình trở thành "cái bẫy" khiến trẻ dễ dàng trèo lên lan can |
Tuy nhiên, các chủ đầu tư thậm chí nhiều người dân sinh sống trong chung cư đều chú trọng tới thiết kế thẩm mỹ các khu vực ban công, cửa sổ hơn là yếu tố an toàn. Đôi khi sự thay đổi cách sắp đặt, bố trí trong gia đình là gián tiếp để xảy ra những sự việc đáng tiếc như ngã từ trên cao, hỏng cửa bị nhốt trong nhà vệ sinh, an toàn điện…
Nhiều gia đình trang trí ban công chung cư, bày các giá để chậu hoa, lắp bàn trà, giá phơi gắn vào lan can, bày tượng phong thủy ở ban công cũng là nơi dễ tạo điều kiện cho trẻ nhỏ leo trèo và dễ ngã từ lan can xuống.
Do đó, để phòng tránh tai nạn cho trẻ nhỏ, các gia đình khi chuyển vào sinh sống tại chung cư, đặc biệt các hộ gia đình có con nhỏ cần xác định luôn phải có người chú ý tới con trẻ, không để cho trẻ ở nhà, tự chơi một mình mà không có người giám sát.
Bên cạnh việc kiểm tra kỹ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy định của Bộ Xây dựng, chủ hộ cần lắp đặt một số thiết bị an toàn như các chốt khóa an toàn tại các cửa sổ, cửa ra, hệ thống lưới ở ban công.
Rơi ngã ở độ cao trẻ sẽ bị ảnh hưởng ra sao
Đa phần các tai nạn trẻ nhỏ rơi ngã từ trên cao xuống đều để lại hậu quả thương tâm, số ít trẻ gặp may mắn có người đỡ kịp như em bé bị rơi từ tầng 12 vừa qua. Trong đó, tư thế ngã đập đầu xuống đất là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chấn thương nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong ở trẻ.
Tư thế này dẫn đến chảy máu, bầm tím, chấn thương sọ não. Bộ não là trung tâm điều khiển cho mọi chức năng của cơ thể kể cả những hoạt động có ý thức (đi và nói chuyện) và những hoạt động vô thức (hô hấp, nhịp tim..).
Đồng thời bộ não cũng điều khiển suy nghĩ, nhận thức, lời nói và cảm xúc. Tình trạng tổn thương tới bộ não, dù do chấn thương đầu nghiêm trọng hay chấn thương gần đầu không để lại vết nứt hoặc xuyên thủng cũng có thể phá vỡ một số hoặc tất cả những chức năng này.
Tổn thương não có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và suốt đời đối với những chức năng của thể xác và tinh thần, bao gồm mất ý thức, trí nhớ và/hoặc tính cách thay đổi và bị liệt một phần hoặc liệt toàn thân.
Rơi ngã xuống các bề mặt như bê tông, gạch men, lớp đất cứng sẽ gây nguy hiểm nhiều hơn cho bé so với các bề mặt mềm. Trong quá trình tiếp đất chạm vào các vật dụng như đồ đạc góc cạnh, mặt kính sắc nhọn có thể gây thương tích nghiêm trọng.
Khi trẻ bị rơi ngã điều quan trọng là các gia đình cần theo dõi các triệu chứng của chấn thương sọ não ở trẻ, bao gồm cả chấn động não, thường xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ sau ngã để có các biện pháp xử trí kịp thời.
Biện pháp tốt nhất là kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện nơi gần nhất để cấp cứu, theo dõi các dấu hiệu của chấn thương đầu nghiêm trọng của trẻ như chảy máu không kiểm soát được từ vết cắt, vết lõm hoặc chỗ phồng mềm trên hộp sọ, bầm tím hoặc sưng tấy quá mức, nôn nhiều hơn một lần, buồn ngủ bất thường và/hoặc khó tỉnh táo, mất ý thức hoặc không phản ứng với giọng nói, xúc giác, máu hoặc dịch nhầy chảy ra từ mũi hoặc tai, khó thở... và liên lạc cho bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn.