Lớp học may đặc biệt
Đào tạo nghề may cho 19 người khuyết tật Giới thiệu tinh hoa làng nghề mây tre đan Phú Vinh nức tiếng của Hà Nội tại đình Kim Ngân Hà Nội giới thiệu làng nghề mây tre truyền thống Phú Vinh |
Vượt lên chính mình
Khi Vũ Thị Dung vừa mới chào đời, bố mẹ chị đã phát hiện con gái của họ bị nhiễm chất độc da cam, khuyết tật vận động chân và một bên tay trái phải. Chấp nhận số phận, dù nỗi buồn đau không dễ nguôi ngoai với gia đình nhiều khốn khó.
Khi con người ta biết ngồi, biết đứng thì chị Dung phải “làm bạn với xe lăn”. Gia đình nông nghiệp khó khăn nhiều lại thêm cảnh con khuyết tật, không lành lặn như những người bình thường khác, bố mẹ của chị càng vất vả. Năm tháng qua đi, cô bé khuyết tật ngày nào giờ đã lớn, muốn vượt khỏi vòng tay các bậc phụ huynh để tự lập, kiếm tiền nuôi sống bản thân, trải nghiệm ngoài xã hội.
Khát khao bươn chải, vượt lên chính mình đã thôi thúc chị đến với lớp học nghề may tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội (trụ sở tại huyện Đông Anh, Hà Nội). Sau khi các thầy cô dạy khoảng một tuần, chị Dung đã thành thạo và được chuyển sang làm chính thức. Dù học may cũng không dễ với người khuyết tật nhưng đam mê và quyết tâm vượt qua khó khăn, chị nhanh chóng bắt nhịp với máy khâu, may vá. Giờ đây, chị có thể tự làm việc, kiếm tiền.
Lễ khai giảng lớp học nghề may tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội |
Chị Vũ Thị Dung chia sẻ: “Mình may mắn được vào lớp học may, các thầy cô chỉ bảo nhiệt tình, cầm tay chỉ việc, ưu tiên, chia sẻ, đồng cảm với người khuyết tật nên mình nhanh chóng hoà nhập. Ở đây, trung tâm không để chúng mình thiếu thốn gì cả, rất chu đáo từ chỗ ăn uống đến sinh hoạt đều được trang bị, hỗ trợ nhiều. Chúng mình rất thoải mái và vui khi được đón nhận như vậy. Với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, mình rất vui vì đã có công ăn việc làm, tự nuôi bản thân mà không phải nhờ đến ai, bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội”.
Nguyễn Thị Linh (Đông Anh, Hà Nội) rất tâm đắc với mô hình lớp học may miễn phí dành cho người khuyết tật. Điều này thật sự hữu ích với bản thân cô và những người bạn đồng cảnh. Linh bị khuyết tật vận động. Đôi chân tập tễnh đã khiến cô gái trẻ mất thăng bằng cả thể chất và tinh thần một thời gian dài. Nỗi buồn khiếm khuyết một phần cơ thể cũng dần nguôi ngoai. Tuy nhiên, để tìm kiếm việc làm không đơn giản với cô. Suốt thời gian qua, Linh đi tìm việc nhưng chưa có nơi nhận, nên chỉ ở nhà.
Anh Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội cùng học viên lớp học nghề may dành cho người khuyết tật |
“Mình thấy bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình nên luôn cố gắng đi tìm việc, kiếm tiền góp với bố mẹ, nuôi bản thân. Vì vậy, mình luôn hi vọng sẽ tìm được công việc phù hợp. Được biết, tham gia học nghề may tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội hoàn toàn miễn phí, lại được hỗ trợ nơi ăn ở sinh hoạt. Cơ hội này mình sẽ nắm bắt”, Linh bày tỏ.
"Cứu cánh" của thanh niên khuyết tật
Hiện đang là học viên của lớp may, Nguyễn Duy Phương, sinh năm 1994, từng ngày cố gắng để vượt lên chính mình. Qua những người quen đi trước giới thiệu, cậu biết đến lớp học nghề này. Phương được dạy nghề, ăn ở hoàn toàn miễn phí.
Phương chia sẻ, cậu bị tai nạn giao thông nên từ một thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh trở thành người khuyết tật chân và “chậm não” do va đập mạnh. Nhớ lại những ngày đau đớn, chàng trai trẻ vẫn còn sợ hãi. Từ khi bị tai nạn, cậu phụ thuộc vào gia đình, lại tốn rất nhiều tiền để chữa bệnh. Còn trẻ, Phương không đành lòng ở nhà ăn bám bố mẹ mà cố gắng tìm nơi học cho mình một cái nghề và làm việc. Lớp học may như cứu cánh của cậu. Chàng trai khuyết tật bày tỏ: “Mình đi học, đi làm đã đỡ được gánh nặng cho gia đình. Mình rất vui vì điều đó”.
Các bạn thanh niên khuyết tật học tại lớp may |
Anh Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội cho biết: “Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội phối hợp với các đơn vị mở lớp, tạo điều kiện cơ sở vật chất, dựng xưởng may, máy móc thiết bị, nơi ăn ở cho người khuyết tật vào học nghề may.
Đây cũng là chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, đồng hành, hỗ trợ thanh thiếu niên khuyết tật, giúp các bạn ấy có thể tìm kiếm việc làm, thu nhập và vượt lên khó khăn, hoà nhập tốt hơn”.
Chị Nguyễn Lê Hằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội SafeViet, cho biết: “Hiện nay lớp học nghề may tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội có khoảng 20 bạn trẻ khuyết tật tham gia, đã được tổ chức gần 2 tháng. Công ty chúng tôi phối hợp đào tạo, tạo việc làm cho các học viên.
Trung tâm đã hỗ trợ rất tốt, đặc biệt là cung cấp thông tin tuyển dụng, tạo môi trường sống, làm việc tốt, lành mạnh, an toàn. Ở đây hàng tháng đều có các bác sĩ tình nguyện đến khám, chữa bệnh định kỳ cho người khuyết tật. Chúng tôi rất muốn phối hợp lâu dài với tổ chức Đoàn để tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật lập thân, lập nghiệp”.