Luật Trợ giúp pháp lý phải bảo đảm tính thống nhất, minh bạch
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu,
chỉnh lý Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Mở rộng đối tượng được trợ giúp
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được trình bày trước Quốc hội, Dự thảo Luật bổ sung bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng mới (người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính) được trợ giúp pháp lý (Điều 7).
Có ý kiến đề nghị bỏ quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý; đề nghị giao địa phương căn cứ vào tình hình thực tế quy định điều kiện khó khăn về tài chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để bảo đảm sự thống nhất, minh bạch, kịp thời về chế độ chính sách đối với người được hưởng trợ giúp pháp lý trong việc áp dụng điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý thì việc giao Chính phủ quy định là hợp lý. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể điều kiện khó khăn về tài chính cho phù hợp với từng thời kỳ. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu đánh giá dự thảo cơ bản đã gom được hết các đối tượng cần được trợ giúp và thống nhất với việc mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, mặc dù phạm vi đối tượng được mở rộng hơn, nhưng trong mỗi đối tượng lại bị thu hẹp lại.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với yêu cầu "khó khăn về kinh tế" mới được trợ giúp pháp lý đối với một số đối tượng như thân nhân liệt sỹ, người khuyết tật... và cho rằng nếu quy định như vậy thì Luật đang thụt lùi.
"Cha, mẹ liệt sỹ phải thuộc diễn khó khăn mới được hỗ trợ pháp lý là đi ngược lại với việc thực hiện chính sách người có công và những quy định của pháp luật. Chưa kể các đối tượng này sẽ rất chạnh lòng khi phải đi xin chứng nhận... Do vậy nên rà soát lại, bỏ tiêu chí "khó khăn về kinh tế" mới được trợ giúp pháp lý và đưa các đối tượng này vào đối tượng đương nhiên được nhận trợ giúp pháp lý" - ĐB Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ) nêu.
Nhiều đại biểu cho rằng quy định người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được trợ giúp là không phù hợp. Theo Đại biểu Nguyễn Tạo, người dân tộc thiếu số là những đối tượng cần chăm sóc và hỗ trợ thường xuyên, nhiều đối tượng trong quá trình di cư chỉ là cư trú chưa có hộ khẩu. Do vậy đại biểu tha thiết đề nghị chuyển từ phạm vi "thường trú" sang "cư trú" cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài ra, việc quy định"địa bàn khó khăn" là quá hẹp.
Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Phương Loan cho rằng, xét về mặt đạo lý, dù là người vô gia cư cũng cần có những chích sách để giúp đỡ họ, do vậy trường hợp thường trú hay tạm trú cũng cần được trợ giúp.
Ở chiều ngươc lại, đại biểu Vương Ngọc Hà (Đoàn Hà Giang) băn khoăn với các khu vực miền núi, vùng sâu, khi mở rộng các nhóm đối tượng như người đào dân tộc thiểu số... sẽ là gánh nặng cho trợ giúp pháp lý ở các vùng này. Mặc dù có hỗ trơ thêm về kinh phí, nhưng cần tính toán các nguồn lực để đảm bảo luật ban hành có thể thực hiện được.
Đồng tình với việc mở rộng đối tượng trợ giúp, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) vẫn bày tỏ băn khoăn về việc cần có nguồn lực đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình đất nước.
Theo đại biểu, hiện nay có khoảng 20 nghìn người đang cần trợ giúp với kinh phí dự kiến 155 tỷ đồng, vậy nếu mở rộng đối tượng thì kinh phí tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, việc trợ giúp pháp lý hiện nay phần lớn là tài trợ từ nước ngoài, do vậy việc mở rộng đối tượng phải được xem xét để đảm bảo nguồn lực và việc nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý.
Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu ý kiến thảo luận tại hội trường
Khó xã hội hóa trợ giúp pháp lý
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành với nội dung quy định về xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý. Có ý kiến đề nghị quy định rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý (Điều 25) để huy động những người có kiến thức thực tiễn, đã có kinh nghiệm pháp luật và có điều kiện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý ở những vùng khó khăn, không có đội ngũ làm trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp. Đồng thời, quy định giảm số năm kinh nghiệm về tư vấn pháp luật của tư vấn viên pháp luật là thành viên tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý từ 05 năm còn 02 năm (điểm c khoản 1 Điều 19); quy định cụ thể các loại công việc, hình thức trợ giúp pháp lý mà mỗi chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý được thực hiện. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng khuyến khích các tổ chức, luật sư, cá nhân khác thực hiện tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân.
Về nội dung này, có đại biểu cho rằng, việc thu hút nguồn lực cùng với nhà nước tham gia hỗ trợ cho các đối tượng cần trợ giúp pháp lý là cần thiết, tuy nhiên việc xã hội hóa trong lĩnh vực này là khác biệt so với các lĩnh vực khác, vì nó hoàn toàn miễn phí với người thụ hưởng và người thực hiện cũng không được nhận khoản nào. Để kêu gọi được các chủ thể khác tham gia vào trợ giúp pháp lý, các đại biểu cho rằng, ngoài khuyến khích tôn vinh, nên có chính sách cụ thể thiết thực cho các tổ chức luật sư, trung tâm pháp luật tham gia trợ giúp, như vậy việc xã hội hóa mới mang lại hiệu quả.
Theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), việc xã hội hóa trong trợ giúp pháp lý là không phù hợp với thực tiễn. Bởi quy định nghiêm cấm mọi khoản thu và sử dụng nguồn lực nhà nước để trợ giúp pháp lý. Do vậy không thể xã hội hóa như giáo dục và y tế.
"Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy không thể thực hiện xã hội hóa, mặc dù đã giao cho tổ chức Luật sư làm nhưng cuối cùng phải quay về tổ chức của nhà nước" - ĐB Xuyền nói.