Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân khu vực chịu ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận buổi đối thoại |
Theo ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) được thành lập từ năm 1999, có quy mô 83,83ha.
Năm 2011, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định mở rộng giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn với diện tích 73,73ha. Còn dự án di dân vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn bán kính 500 mét tính từ chân tường rào bãi rác là 396ha, liên quan tới gần 2.000 hộ dân.
Hiện Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp ở 2 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, với tổng số tiền là 457,7 tỷ đồng, diện tích 74.2ha/77ha.
Đối với đất ở, huyện đã hoàn thành việc kê khai kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất của 2 xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn, còn xã Bắc Sơn cơ bản hoàn thành kiểm đếm đất và tài sản trên đất. Giá bồi thường đất ở thành phố đang áp dụng tại 3 xã từ hơn 866.000 đồng đến 3.360.000 đồng cho từng vị trí.
Cùng đó, huyện Sóc Sơn cũng quy hoạch, bố trí 3 khu tái định cư, đáp ứng chỗ ở cho hơn 1.000 hộ dân có nhu cầu chỗ ở. Giá đất tái định cư đang được áp tại các địa phương trên từ 873.480 đồng/m2 đến hơn 4 triệu đồng/m2.
Để hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng, thành phố Hà Nội đã cấp 100% thẻ bảo hiểm y tế cho tổng số 6.268 hộ.
Ngoài ra, thành phố cũng nâng mức hỗ trợ người dân từ 2-3 lần so với quy định cũ; cung cấp nước sạch cho người dân 3 xã vùng ảnh hưởng 1.000 mét.
Tại buổi đối thoại, đã có 14 ý kiến của người dân phát biểu xoay quanh các nhóm vấn đề: môi trường, bảo hiểm y tế, cấp nước sạch; giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, bồi thường tài sản.
Ông Nguyễn Văn Chí, xã Bắc Sơn, bày tỏ trong 20 năm qua, người dân 3 xã đã phải sống trong cảnh bị ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Vì vậy, người dân mong muốn được thành phố đền bù theo tinh thần đất đổi đất để có điều kiện sinh hoạt tốt hơn khi di dời giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Chí cũng nêu quan điểm, thành phố kiên quyết không đền bù, hỗ trợ những hộ lợi dụng chính sách giải phóng mặt bằng để trục lợi của Nhà nước.
Trên tinh thần đồng tình với việc giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác, ông Nguyễn Văn Thơ, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, cho rằng huyện và thành phố tiếp tục quan tâm đến giá đất tái định cư nhằm giảm sự chênh lệch giữa các vị trí để người dân đỡ khó khăn.
Cũng liên quan đến giá đền bù, bà Hoàng Thị Mai, thôn 2, xã Hồng Kỳ, bày tỏ băn khoăn giá đất vườn liền kề hiện nay được thành phố đền bù cho người dân quá thấp, khiến người dân thiệt thòi khi bàn giao đất giải phóng mặt bằng.
Nêu thực tế hiện nay tại 3 xã: Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Nam Sơn, nhiều hộ dân có “sổ đỏ” diện tích hơn 1.000 mét vuông nhưng chỉ được đền bù 400 mét vuông đất ở, còn lại tính đơn giá đất vườn liền kề, ông Nguyễn Đình Hòa, xã Bắc Sơn, kiến nghị thành phố và huyện cần tính đủ diện tích đất cho người dân. Vì “sổ đỏ” là do chính cơ quan có thẩm quyền cấp cho người dân từ những năm trước đây.
Người dân xã Nam Sơn kiến nghị tại buổi đối thoại |
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện ngay việc công khai, minh bạch về quy trình giám sát môi trường tại bãi rác; tuyệt đối không được để xảy ra sự cố môi trường ở bãi rác gây ảnh hưởng đến người dân quanh khu vực.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thành phố đã quyết định đưa 30 cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường xuống xã, huyện để cùng lập phương án đền bù hỗ trợ người dân. Việc này cơ bản giải quyết xong trước Tết Âm lịch để đảm bảo đời sống người dân.
Đối với kiến nghị của người dân về hỗ trợ đền bù, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết cứ bị ô nhiễm sẽ được hỗ trợ nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật. Thành phố sẽ vận dụng cơ chế chính sách đầy đủ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Kết luận đối thoại, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, bày tỏ cảm ơn người dân 3 xã Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn nhiều năm qua phải vất vả, hy sinh lợi ích để thành phố có nơi chôn lấp rác.
Ghi nhận điều này nên quan điểm xuyên xuốt của thành phố Hà Nội trong những năm qua là luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; vận dụng tối đa chính sách, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân. Dù vậy, hiện nay việc đề bù giải phóng mặt bằng ở dự án mở rộng bãi rác Nam Sơn vẫn chậm so với kế hoạch đề ra.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận có trách nhiệm của một số cán bộ, cá nhân ở cấp xã, huyện, nhất là các sở, ngành của thành phố chưa thật sự sâu sát, quyết liệt với công việc được giao.
Trước các kiến nghị cụ thể của người dân, ông Nguyễn Văn Phong chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm giải quyết.
Trước mắt, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị người dân không tiếp tục tái diễn hành động chặn xe chở rác như thời gian qua. "Những gì đó chưa thỏa mãn, chúng ta nên kiến nghị bằng văn bản, qua đối thoại, chứ tuyệt đối không lặp lại vụ việc như thời gian qua", ông Nguyễn Văn Phong bày tỏ và cho rằng huyện Sóc Sơn phải rút kinh nghiệm ngay trong việc chậm trễ thực hiện chính sách cho nhân dân; tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ hơn, vì việc đưa bà con ra khỏi vùng ảnh hưởng bán kính 500 mét là chủ trương rất nhân văn, thực hiện mong muốn của người dân và cũng là mục đích của chính quyền thành phố.
Cuối tháng 11/2020, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về việc triển khai chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn và quản lý vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Theo đó, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kĩ thuật đô thị, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội và các đơn vị liên quan xử lý, giải quyết các tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành, đảm bảo vận hành khu xử lý của bãi rác Nam Sơn.
Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra kiểm soát xe vận chuyển rác từ ngày 11 - 18/11 là 125 xe, nâng tổng số xe được kiểm tra lên 424 phương tiện của 20 doanh nghiệp vệ sinh môi trường; Kiểm tra 1.008 điểm trung chuyển tập kết rác sinh hoạt (trong đó xác định 193 điểm có nguy cơ gây mất vệ sinh môi trường, 161 điểm có nguy cơ gây ùn tắc).
Từ ngày 11 - 15/11, Công ty Urenco tiếp tục phun 21 lít thuốc diệt ruồi trên diện tích rác hở và toàn bộ khu vực trong phạm vi khu xử lý. Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sóc Sơn duy trì theo dõi sau đợt phun toàn bộ vùng ảnh hưởng 500m từ ngày 3 - 10/11. Đến nay cơ bản đã hạn chế ruồi phát sinh.
Về việc hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ dân khu vực ảnh hưởng, các đơn vị chức năng đã triển khai khám chữa bệnh miễn phí cho khoảng 8.000 người dân; Cấp thẻ cho toàn bộ người dân vùng ảnh hưởng 1.000m.
Đối với tuyến đường xe vận chuyển rác đi qua, Sở Y tế đã phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn rà soát và lên phương án cấp bổ sung cho 2.393 người, kinh phí khoảng 2.661 tỷ đồng. UBND huyện Sóc Sơn sẽ thông báo đến người dân và chịu trách nhiệm rà soát số lượng người dân thuộc diện được hỗ trợ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay việc quản lý, điều hành và vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã dần đi vào ổn định, kiểm soát nguy cơ sự cố môi trường, giảm lượng nước rác tồn đọng.
Tiến độ đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã được các Sở, ngành quan tâm, đôn đốc và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ; Các kiến nghị của người dân về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, UBND huyện Sóc Sơn nỗ lực giải quyết.
Theo Sở Xây dựng, tiến độ công tác giải phóng mặt bằng tại các ô chôn lấp 1.1 và 1.2 khu phía Bắc giai đoạn 11 Khu liên hợp vẫn chưa đạt yêu cầu; Tiến độ thi công các ô chôn lấp còn lại của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường còn chậm.
Để đảm bảo thực hiện các công việc trọng tâm tuần tiếp theo và đến 30/11/2020, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố, tổ công tác thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn tập trung quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành thu hồi đất thi công các ô chôn lấp 1.1 và 1.2 khu phía Bắc; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng 500m của khu xử lý; Duy trì các giải pháp đảm bảo an toàn trong khâu phân luồng giao thông, tiếp nhận, xử lí rác thải, phòng ngừa nguy cơ, giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
Theo báo cáo của Ban đô thị (HĐND TP Hà Nội) năm 2019, chất thải rắn sinh hoạt của Hà Nội hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt khoảng 43% so với công suất thiết kế.
Theo Quyết định số 609/QĐ-TTg, ngày 25/4/2014, Về việc phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội, quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội xác định có 17 khu xử lý chất thải rắn bao gồm tám khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và chín khu đầu tư mới. Trong đó, có tới chín trong số 17 khu xử lý vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp cùng với các công nghệ xử lý khác.
Đáng chú ý, trong đề xuất các dự án đầu tư ưu tiên đến năm 2020 theo quy hoạch, có tới tám bãi đổ chất thải rắn được xây dựng tại các huyện: Đông Anh, Thường Tín, Hoài Đức, Mê Linh, Đan Phượng, Từ Liêm.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, cần có giải pháp cả về trước mắt lẫn lâu dài.
Về giải pháp trước mắt, phải giải quyết ổn thỏa các yêu cầu đền bù của người dân. Năm ngoái TP Hà Nội đã bàn với dân cách di dời, thống nhất với dân các phương án nhưng rồi lại giải quyết không dứt điểm, vì thế mới tái diễn tình trạng dân chặn xe đổ rác. Điều này gây thiệt hai rất nhiều không chỉ về kinh tế mà cả hình ảnh Thủ đô của cả nước.
Về giải pháp lâu dài, hiện Hà Nội đang xây dựng Nhà máy điện rác Nam Sơn, hướng đi đó rất tốt nhưng phải chuẩn bị từ bây giờ để công nghệ đốt rác thành điện đi vào hoạt động. Theo ông Tùng, Hà Nội phải làm các giải pháp song song như phân loại rác tại nguồn, tăng cường tái sử dụng rác, chuẩn bị cơ sở vật chất để thu gom, tổ chức các bãi thu gom chuẩn cho hợp vệ sinh, nhất là các loại rác có khối lượng lớn.
“Phân loại rác không hề dễ, chúng ta đã làm từ lâu, có sự hỗ trợ của các nước nhưng vẫn thất bại. TP Hồ Chí Minh từng ra quân rất rầm rộ, quy định chế tài phạt đến 20 triệu đồng nếu không phân loại nhưng vẫn không thành công. Người dân Hà Nội cũng từng phân loại tại nhà nhưng mang ra đến nơi tập kết lại đổ ụp vào một chỗ”, TS Hoàng Dương Tùng nói.
Theo ông, phân loại rác tại nguồn là việc bắt buộc phải làm. Vì đây là việc không dễ nên Hà Nội cần phải làm cẩn thận, đồng bộ, không chỉ từ người dân mà cả các đơn vị thu gom, xử lý.
Cùng với đó, phải tổ chức ngay việc thu tiền xử lý rác. Từ trước tới nay, việc xử lý rác thải đang được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, chỉ thu 6.000 đồng/người/tháng phí thu gom rác.
“Người gây ô nhiễm phải trả tiền cho rác thải của mình, từ đó họ mới có ý thức hạn chế rác, có trách nhiệm với việc thải rác”, ông Tùng nói.
Hà Nội đang hy vọng khi Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề về xử lý rác thải cho Thủ đô. Đây cũng là khẳng định của Phó Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức trong cuộc họp báo tại Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 20-7.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Dương Tùng, để tránh những vấn đề phát sinh khi nhà máy đi vào hoạt động, cần có sự giám sát ngay trong quá trình xây dựng, nghiệm thu công trình, theo đúng đánh giá tác động môi trường. Phải tính toán, đo đạc lượng khí thải do đốt rác và công khai số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để người dân sống gần khu vực được biết; Không để xảy ra tình trạng đã ô nhiễm mùi, ô nhiễm nguồn nước và giờ thêm cả ô nhiễm không khí vì rác thải.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |