Luồng gió mới từ thế hệ giáo viên gen Z
Gen Z “truyền lửa” lịch sử và tình yêu nước Những yếu tố nào ảnh hưởng đến cách Gen Z đi du lịch? Hành trình "Dám rực rỡ" của các sinh viên gen Z |
Vừa làm thầy, vừa làm bạn
Năng động, sáng tạo và thông minh là những tính từ có thể được sử dụng để nói về gen Z (Thế hệ Z - những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012). Hiện tại, gen Z đã trưởng thành, bước chân vào thị trường lao động và xác định cho mình một hướng đi phù hợp. Trong đó, môi trường sư phạm vẫn luôn là một hướng đi được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Được học tập và phát triển trong nền giáo dục từng bước đổi mới, các sinh viên sư phạm dường như nhận thức được tầm quan trọng của việc giảng dạy bằng những phương pháp mới mẻ, sáng tạo.
Minh Anh áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới trong quá trình đi thực tập để chuẩn bị cho hành trang khi chính thức bước vào nghề |
Lê Minh Anh (22 tuổi, sinh viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) vừa trải qua đợt thực tập tại một trường THPT top đầu ở Hà Nội. Cô nàng chia sẻ: “Trong giờ dạy, mình có sử dụng phương pháp đóng kịch, thuyết trình, tổ chức hoạt động nhóm hay các trò chơi cho học sinh. Ban đầu các em chưa quen và mình cũng chưa thích nghi được nên còn mất nhiều thời gian. Dần dần, học sinh đã chủ động, hào hứng hơn, buổi học diễn ra khá hiệu quả”.
Với Minh Anh cũng như nhiều giáo viên, sinh viên sư phạm khác, các phương pháp giáo dục hiện đại là phương tiện quan trọng và hữu ích trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh. Các em sẽ cảm thấy thích thú, tiếp thu kiến thức nhanh hơn và cũng tích lũy nhiều kỹ năng cho bản thân mình.
Bên cạnh đó, các giáo viên gen Z khi bắt đầu công việc của mình cũng đảm nhận vai trò là người bạn, nơi học sinh tìm đến để gửi gắm suy nghĩ, tâm tư. Điều này giúp kết nối mối quan hệ thầy - trò, gia tăng sự thấu hiểu lẫn nhau, làm cho quá trình giảng dạy, học tập trở nên suôn sẻ.
Thu Phương (20 tuổi, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) hiện đang kiến tập tại một trường THCS của quận Cầu Giấy. Tuy chưa chính thức đứng lớp nhưng nữ sinh năm 3 cũng đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các học sinh.
Thu Phương cho rằng giáo viên gen Z có thể dễ dàng nói chuyện, trao đổi với học sinh hơn bởi khoảng cách thế hệ |
Thu Phương chia sẻ: “Không chỉ riêng mình mà còn rất nhiều bạn sinh viên khác, khi đi kiến - thực tập đều có thể dễ dàng nói chuyện, trao đổi với học sinh trong lớp bởi chúng mình còn rất trẻ nên phần nào hiểu được tâm lý của các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, ngoài những lúc trò chuyện vui vẻ, mình vẫn phải giữ thái độ nghiêm túc theo đúng vai vế”.
Khi lắng nghe và chia sẻ nhiều điều với học trò, các giáo sinh sẽ nhận được sự tôn trọng, ủng hộ và hỗ trợ từ học sinh. Mối quan hệ giữa thầy và trò sẽ càng trở nên thân thiết, gắn bó thông qua các hoạt động trong trường lớp hay những buổi tâm sự, trò chuyện… Đây là những trải nghiệm đáng nhớ trong chặng đường thực tập của các giáo sinh trẻ tuổi.
“Chiếc cầu” nối các thế hệ
Với cô giáo trẻ Phan Thị Thùy Giang (giáo viên chủ nhiệm lớp 5G, Trường tiểu học Tràng An), gần 4 năm trong nghề là chừng ấy khoảng thời gian cô gái 25 tuổi được cống hiến và tự tin thể hiện tình yêu của bản thân với việc đứng lớp.
Thùy Giang cho biết trước giờ gia đình không có ai theo nghề, nhưng vì từ bé đã rất thích được nói, được kể những câu chuyện và chia sẻ kiến thức với mọi người nên nữ giáo viên gen Z đã quyết định lựa chọn công việc này.
Cô giáo gen Z Phan Thùy Giang |
Như bao sinh viên sư phạm khác, quá trình học tập của Thùy Giang ở đại học xoay quanh việc học và đi gia sư. Trong quá trình học tập ấy, với lợi thế của thế hệ Z, Giang luôn cố gắng tham gia các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khóa học, thi các kỳ thi về nghiệp vụ sư phạm… để có thêm hiểu biết, tiếp cận sớm hơn với nghành nghề mình đã lựa chọn.
“Với công việc gia sư, mình cân đối và lựa chọn những lớp phù hợp với mục tiêu tương lai sau này của mình. Từ sớm mình đã nhận ôn thi Toán cho các bạn có định hướng thi chất lượng cao. Công việc này vừa đem lại mức thu nhập ổn định cho mình vừa giúp mình có thêm rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm”, Thùy Giang chia sẻ.
Theo Thùy Giang, các giáo viên hệ hệ Z mình có nhiều thuận lợi khi làm việc. Gen Z trẻ trung, nhiệt huyết, có khả năng công nghệ thông tin rất tốt và được đánh giá là tâm lí gần gũi với học sinh hơ; từ đó có thể phối hợp và vận dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau theo cả phương thức truyền thống và hiện đại.
“Với các phương pháp hiện đại, mình đặc biệt thích và hay sử dụng là phương pháp dự án kết hợp với lớp học đảo ngược. Mỗi chủ điểm học tập, mình thường giao về các nhóm, học sinh học tập theo nhóm, các bạn chủ động phân việc phù hợp với năng lực, thực hiện các nhiệm vụ cô giáo đưa ra. Các con sẽ tự thiết kế ppt, giáo án giảng dạy, trò chơi dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Đến ngày diễn ra tiết học, các con là người trực tiếp giảng dạy cho các bạn. các bạn bên dưới được phép phản biện hay đưa ra các câu hỏi để được giải đáp.
Kết thúc mỗi dự án theo tháng, học sinh trong lớp sẽ bình chọn các nhóm làm tốt nhất để nhận thưởng. Như vậy, học sinh luôn được chủ động tiếp thu kiến thức. Còn trong giảng dạy hằng ngày, mình luôn cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp để thu hút sự tập trung của học sinh. Ngoài ra, cũng kết hợp một số phương pháp dạy học điển hình như thảo luận nhóm, khăn trải bàn, nhóm chuyên gia, ổ bi, dạy học theo trạm… tùy thuộc vào bài dạy sao cho phù hợp với nội dung của các bài học”, Thùy Giang chia sẻ về phương pháp giảng dạy của mình.
Trở thành 1 giáo viên “vừa có tâm, vừa có tầm” luôn là mục tiêu quan trọng nhất mà Thùy Giang đang hướng đến |
Với Thùy Giang, trở thành 1 giáo viên “vừa có tâm, vừa có tầm” luôn là mục tiêu quan trọng nhất mà cô gái trẻ đang hướng đến.
“Tuổi nghề mình vẫn còn trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, vì chính bản thân mình cũng chưa đạt được. Tuy vậy, theo mình để trở thành một giáo viên có tâm trước hết mình phải có lòng vị tha, sự bao dung, tình yêu trẻ và luôn luôn đối xử công bằng với tất cả học sinh.
Với mình, mình luôn coi học sinh như con của mình để có thể chăm sóc tốt nhất cho các bạn. Bất kể việc gì, mình cũng luôn đặt lợi ích của học sinh lên đầu tiên. Giáo viên không chỉ giảng dạy mà trách nhiệm cao cả hơn là giáo dục học sinh. Việc đó lại càng quan trọng hơn khi mình còn là giáo viên chủ nhiệm của cấp học tiểu học nên mình luôn tự nhủ phải nỗ lực, kiên nhẫn, thấu hiểu các em, đặt mình vào vị trí học sinh để cảm thông cho các em.
Còn muốn trở nên có “tầm” mình nghĩ mỗi giao viên cần luôn trau dồi năng lực chuyên môn, chủ động và sáng tạo trong công việc. “Biết 10 dạy 1” là điều mình luôn thực hiện. Ngày nay, khi thời đại ngày càng phát triển, mỗi học sinh đều có thể tiếp cận với lượng kiến thức khổng lồ bên ngoài một cách dễ dàng, chính vì vậy để dạy học tốt cho các em, mỗi người giáo viên cần nỗ lực học tập mỗi ngày, tiếp thu nhiều kiến thức và kĩ năng cần thiết. Đặc biệt là giáo viên trẻ, mình luôn cố gắng học tập từ các cô các chị những kinh nghiệm quý báu, chủ động trong công việc, đổi mới phương pháp dạy học”, Thùy Giang chia sẻ thêm.