Lượng khí thải nhà kính toàn cầu năm nay có thể giảm tới 7%
Đường phố New York, Mỹ vắng vẻ ngày 5/4 (Ảnh: Reuters)
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận trên cơ sở phân tích lượng khí thải CO2 hằng ngày tại 69 quốc gia, 50 bang của Mỹ, 30 tỉnh của Trung Quốc, 6 lĩnh vực kinh tế, 3 cấp độ thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch Covid-19, cũng như dữ liệu từ hoạt động tiêu thụ điện hằng ngày.
Năm 2019, thế giới đã thải ra 100 triệu tấn CO2/ngày thông qua các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng.
Đầu tháng 4 vừa qua, lượng khí thải này đã giảm xuống 83 triệu tấn/ngày, một số quốc gia đã ghi nhận lượng khí thải giảm tới 26% trong thời gian cao điểm áp dụng các biện pháp hạn chế.
Trung Quốc ghi nhận lượng khí thải giảm mạnh nhất trong tháng 4, tiếp đó là Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ. Tổng lượng khí thải giảm ở 4 quốc gia và khu vực này chiếm 2/3 toàn cầu trong 4 tháng đầu năm, tương đương 1 tỷ tấn CO2.
Theo báo cáo, lượng khí thải giảm mạnh nhất vào ngày 7/4 vừa qua, với mức giảm tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ lớn nhất khi giảm tới 40% lượng khí thải, trong khi ngành công nghiệp, sản xuất điện và hàng không lần lượt giảm ở mức 25%, 19% và 10%.
Các nhà khoa học dự báo lượng khí thải sẽ giảm 4% trong năm nay nếu các quốc gia mở cửa trở lại vào giữa tháng 6 tới và giảm 7% nếu tình trạng phong tỏa kéo dài đến hết năm.
Đây sẽ là mức giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 song các chuyên gia lưu ý con số này chưa đủ để đối phó với hiện tượng Trái đất ấm lên trong dài hạn.
Bài liên quan
Một tỷ người sẽ sống dưới nắng nóng khắc nghiệt trong vòng 50 năm tới
Tuần lễ hưởng ứng Ngày Trái đất 2020 với thông điệp hành động vì khí hậu
Các đại dương đang ấm lên, dự báo một năm thời tiết khắc nghiệt
Biến đổi khí hậu - hiểm họa khôn lường
Tuyết màu đỏ máu xuất hiện tại Nam Cực