“Lương y” cấy chỉ cho khách bất chấp quy định phòng dịch
Khám bệnh tự do, không lo dịch bệnh
Trong vai người nhà chị Nguyễn T.L, phóng viên có cơ hội được đến Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Vạn Xuân tại địa chỉ trên. Trước đó một ngày, chị L có gọi điện qua số máy bàn để đặt trước lịch khám (chị L bị đau vai gáy và có nhu cầu cấy chỉ căng rãnh cười trên mặt) do lo sợ dịch bệnh, phòng khám không mở cửa và được sự đồng ý của người phụ nữ tên Thanh.
![]() |
127 Nguyễn Khoái (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một căn biệt thự có treo biển Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền trực thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Bạch Mã |
Nhà số 127 Nguyễn Khoái là một căn biệt thự lớn, nhìn ngay từ trên đường đê Nguyễn Khoái có thể thấy rất nhiều bảng hiệu cỡ lớn để quảng cáo cho hoạt động này.
Đúng 9h như đã hẹn, theo chân chị L vào khu vực sân, người phụ nữ dong dỏng cao, đang ngồi… nhặt rau, nở nụ cười thật tươi chào đón hai vị khách.
![]() |
Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền nằm ngay trong khuôn viên căn biệt thự 127 Nguyễn Khoái (Hai Bà Trưng, Hà Nội) |
Ngay sau đó, chúng tôi được người phụ nữ (tự giới thiệu tên là Thanh - phụ trách chẩn trị) dẫn vào căn phòng ngay sát khu vực ở của gia đình. Nhanh chóng khoác chiếc áo bờ-lu treo sẵn, chị Thanh gọi chị L vào khám.
![]() |
Khách nhanh chóng được khám, mặc dù là "khách lạ" nhưng vị "lương y" không đeo khẩu trang "đề phòng", ngay cả khi giữa mùa dịch Covid-19 |
Điều đáng chú ý là 2 khách “lạ” hoàn toàn được một cuộc điện thoại đặt lịch (không xưng họ tên, tuổi, chỉ nói địa chỉ ở Cầu Giấy, Hà Nội) “bảo kê” qua phần “khai báo y tế” khi không phải đo nhiệt độ cơ thể, không hỏi quá trình di chuyển gần nhất… và bất cứ thông tin gì liên quan đến tình hình sức khỏe dù Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đang phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K.
Có thật là “lương y” khám, chữa bệnh vì chữ “phúc”
Vì người phụ nữ tên Thanh không đeo bảng tên, chức danh nên khi được hỏi là bác sĩ hay y sĩ thì người này nói: Người dùng y học cổ truyền để khám chữa bệnh gọi là “lương y”, làm nghề “gia truyền, cha truyền con nối”. Trong quá trình khám bệnh, người này liên tục “quảng bá” về hiệu quả điều trị của nền y học cổ truyền hiện đại, về những điều “dị” của y học cổ truyền và khám chữa bệnh Đông y là vì chữ “phúc”.
Sau khi sử dụng phần mềm “đo nhiệt độ kinh lạc chẩn bệnh” (bằng cách dùng máy đo kết nối với máy tính để tự tính toán và in ra kết quả chẩn bệnh), chị L được đo huyết áp và hướng dẫn vào khu vực có giường nằm. Khu vực này để 3 chiếc giường trải ga trắng, được ngăn cách với bàn khám bệnh trước đó bằng tủ tường, chừa lối để đi vào.
![]() |
Chị L nhanh chóng được hướng dẫn nằm lên giường chờ cấy chỉ mà cứ ngỡ "được bấm huyệt", còn vị "lương y" vẫn chưa đeo khẩu trang |
Chị L tỏ ra ngạc nhiên khi thấy “lương y” Thanh yêu cầu mình nằm sấp và thay quần áo để tiện cấy chỉ:
- “Em tưởng hôm nay đến khám sau đó chỉ bấm huyệt?”
- “Không em, đây là cấy chỉ vai gáy, điều trị đau vai gáy cho em luôn… Chỉ này tùy cơ địa từng người, có người phải cấy 5 - 7 lần như các cụ già. Tuổi các em chỉ cần cấy khoảng 3 lần. Đây là chỉ tự tiêu nên 20 ngày sau em quay lại đây để cấy lần 2”, “lương y” Thanh nói.
Khâu chuẩn bị dụng cụ được “lương y” thực hiện rất nhanh, không cần găng tay cao su, cũng không cần đeo khẩu trang. Bộ dụng cụ có sẵn trên chiếc bàn đẩy. Dụng cụ cấy chỉ được “sát khuẩn” qua bằng cồn chứ không có máy tiệt trùng dụng cụ hoặc dụng cụ hấp luộc chuyên dụng…
![]() |
"Lương y" Thanh chuẩn bị dụng cụ bằng tay không và không đeo khẩu trang phòng dịch |
Trong khi đó, theo quy định về việc thực hiện phương pháp cấy chỉ trong y học cổ truyền cần thiết phải có phòng vô trùng và các dụng cụ cần thiết (theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng).
Đồng thời, người bệnh phải được chuẩn bị tư tưởng (được giải thích về phương pháp, ưu nhược điểm, yêu cầu bệnh nhân phối hợp điều trị; Phải tắm gội sạch sẽ trước khi cấy chỉ…). Tất cả những điều này, chị L đều chưa thực hiện.
![]() |
Đeo vội găng tay y tế để cấy chỉ vào vai gáy cho chị L nhưng "lương y" Thanh không hề đeo khẩu trang |
Việc cấy chỉ diễn ra ngay khi “lương y” Thanh chuẩn bị xong dụng cụ, rồi mới đeo găng tay, đeo khẩu trang. Để thể hiện, trước khi cấy chỉ vào vai gáy, chị L được “cấy chỉ khuyến mại” vào hai chân để “tốt cho chị em phụ nữ”. Theo vị “lương y” không phải ai cũng được khuyến mại như vậy.
Cấy chỉ vào các huyệt không “nhẹ nhàng” như vị “lương y” nói. Bằng chứng là có vài vị trí, chị L kêu đau. Khi đó, “lương y” trấn an: “Đó là em còn không phải dùng thuốc tê đấy…???”.
![]() |
Vỉ thuốc giảm đau không có trong đơn được "lương y" Thanh đưa cho chị L sau khi cấy chỉ, đồng thời dặn nếu đau quá thì uống để giảm đau |
Sau khi cấy chỉ vai gáy và một vài huyệt ở chân xong, chị L được hướng dẫn nằm trên giường một lúc cho đỡ choáng. Sau đó, vị “lương y” kê nhanh phiếu thu tiền với tổng chi phí 1.500.000 đồng và không quên dặn trong phiếu “sau 20 ngày đến cấy chỉ lần tiếp theo”. Sau đó, "lương y" đưa cho chị L một vỉ thuốc Tây và dặn “uống thuốc này nếu về nhà thấy đau” (thuốc không có trong đơn).
Sẽ sớm kiểm tra hoạt động của phòng chẩn trị
Ngay sau khi sự việc diễn ra, phóng viên đã đến làm việc với Công an phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Qua trao đổi về dấu hiệu vi phạm công tác phòng dịch Covid-19, Công an phường Bạch Đằng tiếp nhận tin báo và sẽ báo cáo cấp trên để sớm có biện pháp xử lý.
Liên quan đến Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền 127 Nguyễn Khoái trực thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Bạch Mã Vạn Xuân, “lương y” Thanh (tên đầy đủ là Đinh Ngọc Thanh) phụ trách chuyên môn. Được biết, năm 2020 đã xảy ra sự cố y khoa tại đây. Cụ thể, sau lần thứ 4 cấy chỉ để chữa bệnh đau vai gáy và giảm thị lực, bà Lương Thị Hương đã xảy ra biến chứng khiến mắt trái của bà có chỉ Catgut.
![]() |
Chỉ Catgut trong mắt trái của bà Hương |
Bà Hương buộc phải điều trị với chi phí cao tại các bệnh viện lớn. Đáng nói, hiện bà Hương đã phải nghỉ hưu sớm vì thị lực giảm sút ảnh hưởng đến công việc. Bà Hương trước đó là giáo viên dạy thể dục cấp THCS.
![]() |
Vì suy giảm thị lực nên bà Hương buộc phải nghỉ hưu sớm |
Sự việc đã được Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vào cuộc. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, đến nay lực lượng chức năng của Sở vẫn chưa có kết luận về “sự cố y khoa” của Phòng Chẩn trị trên. Trong khi đó, hằng ngày, Phòng Chẩn trị do “lương y” Thanh phụ trách vẫn hoạt động bình thường, thậm chí thực hiện cấy chỉ cho khách mà…bỏ quên “khuyến cáo 5K” mùa dịch.
Theo nguồn tin của phóng viên, sau khi có thông tin Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền 127 Nguyễn Khoái hoạt động không tuân thủ khuyến cáo phòng dịch, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ghi nhận thông tin, cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng vào kiểm tra. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Người dân ở biệt thự số 111 Quán Thánh kêu cứu

Kon Tum: Cầu thi công 3 năm vẫn nằm “đắp chiếu”

Quảng Nam: Người dân thắng kiện rồi mòn mỏi chờ thi hành bản án

Nhiều vi phạm trong triển khai thực hiện gói thầu đầu tư trang thiết bị giảng dạy

Khu vui chơi "mọc" trên đất hồ tôm

Nhiều vi phạm tại Quỹ Tín dụng Nhân dân An Thạnh

Hàng trăm cây cà phê bị thiêu rụi, nghi do trả thù cá nhân

Công an Bình Dương triệt xóa ổ nhóm mua bán dữ liệu cá nhân

Gia Lai: Tạm giữ nghi phạm phá hoại vườn cây của 1 hộ dân
