Mắc ung thư phổi vì thói quen mỗi ngày một bao thuốc lá
Mắc K phổi từ triệu chứng thông thường khi ốm
Cụ thể, bệnh nhân N.V.K (53 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) khoảng 1 tháng nay xuất hiện ho khan, đặc biệt 3 ngày trước đi khám có xuất hiện cơn đau đầu, chóng mặt và tê tay cả hai bên trong khoảng 15 phút, sau cơn đau đầu bệnh nhân tỉnh táo, không đau đầu, không chóng mặt, không liệt.
Bệnh nhân cho biết, có thói quen hút thuốc lá 30 năm nay, mỗi ngày hết 1 bao thuốc lá. Trước đó, bệnh nhân chủ quan nên không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, đợt này xuất hiện những dấu hiệu “lạ”, lúc này lo lắng nên quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Ngoài ra, bệnh nhân chia sẻ thêm, về phía gia đình có bố và bác ruột bị K phổi, mẹ bị tai biến mạch máu não.
Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não của bệnh nhân |
BSCKI Phạm Sơn Tùng, Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - người tiếp nhận thăm khám bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân tỉnh táo, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, không liệt, phổi thông khí rõ, không rale nhưng bệnh nhân có ngón tay dùi trống, ngoài ra không có dấu hiệu bất thường nào.
Do có tiền sử hút thuốc lá 30 năm, ho khan kéo dài, nên bệnh nhân được chỉ định chụp phổi và CT sọ não.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) hình ảnh hướng u phổi trái, có xâm lấn phổi, màng phổi và rãnh liên thùy cùng bên. Dày tổ chức kẽ và giãn phế nang nhu mô hai phổi, hạch trung thất.
Chụp cộng hưởng từ sọ não nốt ngấm thuốc dạng viền, có phù não rộng xung quanh. Trên MRI sọ não kết luận hình ảnh khối u não vị trí vùng trán phải và vùng chẩm hai bên hướng đến tổn thương thứ phát.
Theo phân độ của Tổ chức Y tế thế giới 2021, bệnh nhân này được đánh giá ở giai đoạn 4, tức đây là giai đoạn di căn, bệnh đã di căn đến các cơ quan khác như não, gan, xương, tuyến thương thận… Cụ thể, ở bệnh nhân K được chẩn đoán bệnh ung thư phổi di căn não.
Đồng thời, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện sinh thiết xuyên thành ngực, chẩn đoán Carcinoma không tế bào nhỏ. Với chẩn đoán ung thư phổi di căn não - tiền đái tháo đường, bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện chuyên khoa điều trị ung thư.
Giật mình về “đường tắt” dẫn đến tử thần
Sau khi biết mình mắc căn bệnh "án tử", bệnh nhân K vô cùng bất ngờ và hối hận vì thói quen hút thuốc lá mà mình đi vào con đường tắt gặp “tử thần” trong suốt 30 năm qua. Đây cũng là bệnh ung thư hay gặp nhất ở nam giới, tỷ lệ tử vong khoảng 20% trong tổng số các ung thư nói chung.
Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Riêng tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với hơn 26.000 ca mắc mới và hơn 23.000 ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.
Chia sẻ nguyên nhân dẫn tới ung thư phổi, BSCKI Phạm Sơn Tùng, Bệnh viện Medlatec cho biết, có tới 90% bệnh nhân mắc ung thư thư phổi do hút thuốc lá, 4% mắc do hút thuốc lá thụ động (hít phải khói từ người hút).
Trong đó, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác. Ngoài ra, các nguyên nhân còn lại do yếu tố di truyền, môi trường làm việc có nhiều khói bụi ô nhiễm.
Đáng lo ngại hơn, khói thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
Người hút thuốc lá thụ động chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ khói thuốc |
Không chỉ người hút thuốc bị nguy hiểm mà người hút thuốc lá thụ động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Hút thuốc thụ động là hít phải (còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc, gây nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.
Ở người lớn, hút thuốc lá thụ động gây ung thư phổi, ung thư vú, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, dễ sinh non. Ở trẻ em, phơi nhiễm khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi...
Ung thư phổi diễn biến thầm lặng nên đa số người dân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị thấp, gây tốn kém chi phí và kéo dài thời gian chữa trị. Vì vậy, tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường, cũng như gia tăng cơ hội chữa trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Do đó, theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân nên chủ động tầm soát ung thư phổi khi có một trong các dấu hiệu bất thường như ho nhiều, ho dai dẳng/ có đờm, mệt mỏi, hụt hơi, sụt cân không rõ nguyên nhân… Đặc biệt, những người có tiền sử hút thuốc lá, khuyến cáo nên đi tầm soát ung thư phổi định kỳ từ sau 40 tuổi.
Khi đi tầm soát ung thư phổi, thông thường, người dân sẽ được chỉ định làm một trong các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau: Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp, hay còn gọi là chụp CT ngực liều thấp; chụp X quang tim phổi; xét nghiệm tế bào đờm.
Ngoài ra, để chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ xâm lấn tại chỗ, hoặc di căn, người bệnh sẽ được thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như chụp CT ngực, chụp PET/CT, nội soi phế quản, siêu âm phế quản, siêu âm nội soi phế quản, MRI (não, ngực), sinh thiết phổi.