Mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn, ngăn chặn nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông
Tăng cường tuần tra hai khung giờ cao điểm
Sau khi nới lỏng giãn cách, tình trạng người dân sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông dẫn tới nguy cơ tai nạn có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng này, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn vào các khung giờ cao điểm trưa và chiều tối nhằm ngăn chặn “ma men” điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội tăng cường tuần tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn |
Khoảng 22h50 ngày 5/11, Tổ công tác đặc biệt Y11/141 Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại ngã tư Quang Trung - Trần Phú (thuộc địa bàn phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội), phát hiện tài xế điều khiển xe bán tải BKS 29H-063.56 có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính, kiểm tra nồng độ cồn của tài xế điều khiển phương tiện và tiến hành lập biên bản vi phạm. Khi cảnh sát yêu cầu ký vào biên bản vi phạm, tài xế Đ.N.T không chịu ký mà nhiều lần bấm điện thoại gọi nhờ “hỗ trợ cứu viện”.
Ghi nhận của PV, sau hàng giờ nhờ người “hỗ trợ” bất thành, tài xế Đ.N.T vẫn nhất quyết không ký biên bản. Trong khi đó, nhóm người đi cùng xe liên tục dùng điện thoại quay video tổ công tác làm nhiệm vụ. Gần 3 tiếng, nhóm người trên xe bán tải bỏ đi, tài xế Đ.N.T mới chịu chấp hành yêu cầu của tổ công tác.
Chỉ huy Tổ công tác Y11/141 thông tin, trước đó, chiếc xe bán tải chở theo 4 người, khi lưu thông tới ngã tư Quang Trung - Trần Phú thì bị tổ công tác dừng xe kiểm tra. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn xác định, tài xế Đ.N.T (SN 1979, ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) vi phạm mức 0,105 miligam/lít khí thở.
“Quá trình xử lý vi phạm đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn thường gặp khó khăn, vì sau khi sử dụng rượu, bia những tài xế thường không còn tỉnh táo, dễ mất bình tĩnh. Các tổ công tác phải kiên trì để xử lý nghiêm vi phạm”, chỉ huy Tổ công tác Y11/141 cho hay.
Tổ công tác đặc biệt Y11/141 Công an TP Hà Nội kiên quyết lập biên bản tài xế điều khiển xe bán tải vi phạm nồng độ cồn, dán niêm phong, đưa xe về đội xử lý |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, ngay khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện xuyên suốt việc kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn trên địa bàn.
Triển khai kế hoạch trên, Đội CSGT số 6 thành lập các tổ công tác tiến hành tuần tra kiểm soát trên nhiều tuyến đường, trong đó tập trung vào địa bàn có nhiều nhà hàng, quán bia và các khu có nguy cao TNGT.
Thời gian kiểm tra thường vào các khung giờ buổi trưa từ 12h - 14h và tối từ 19h30 - 22h. Từ ngày 15/10 - 8/11, đơn vị đã kiểm tra, phát hiện 18 trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Trao đổi với báo chí, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho biết, sau giãn cách xã hội, các quán ăn được hoạt động tại chỗ, nhiều người chủ quan, tâm lý lâu không gặp nhau nên dễ tụ tập ăn nhậu, sau đó vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dẫn tới nguy cơ tai nạn cho bản thân và những người khác. Vì vậy, Phòng CSGT chủ động chỉ đạo các Đội CSGT phụ trách địa bàn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
“Trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý mạnh các vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn. Phòng CSGT cũng tăng cường quân số cho 15 Tổ công tác đặc biệt 141 tại các địa bàn nóng”, Đại tá Hải nói.
Các tỉnh, thành cũng tăng cường xử lý “ma men”
Tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, một chỉ huy Đội CSGT cho biết, sau khi tỉnh cho phép nhà hàng, quán ăn phục vụ trở lại từ ngày 22/9 đến nay, lực lượng CSGT đã liên tục phát hiện, xử lý nhiều trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Cá biệt, nhiều ngày cuối tuần có cả chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý.
Thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho thấy, chỉ trong 1 tháng qua, đơn vị đã phát hiện, xử lý gần 100 “ma men” trên các tuyến quốc lộ trọng điểm do đơn vị quản lý. Còn tính từ đầu năm đến nay, các tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử lý 1.745 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phần lớn là người điều khiển xe mô tô. Tổng số tiền xử phạt, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,1 tỷ đồng. Nhờ tăng cường xử lý những vi phạm nên từ đầu năm đến nay số vụ tai nạn giao thông toàn tỉnh đã được kéo giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với báo chí, Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những chuyên đề quan trọng, được Phòng CSGT giao các đội thực hiện thường xuyên, liên tục. Vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, cần kiên quyết xử lý nghiêm. Quan điểm chỉ đạo kiểm tra, xử lý của Phòng đối với các đơn vị là không thỏa hiệp, không can thiệp, không có vùng cấm.
“Trong điều kiện dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, nhất là những tháng cuối năm thường diễn ra tiệc cưới, hội họp, liên hoan... tình trạng vi phạm có dấu hiệu gia tăng. Trước mắt, Phòng CSGT Công an tỉnh sẽ phối hợp cùng công an các huyện, thành phố; Các tổ chức, đoàn thể tăng cường tuyên truyền tác hại của rượu bia; Đẩy mạnh tuần tra, xử lý, kiên quyết gửi thông báo các trường vi phạm nồng độ cồn về địa phương, cơ quan, đơn vị công tác để có biện pháp xử lý, giáo dục, ngăn chặn tái phạm, góp phần bảo đảm ATGT”, Thượng tá Phục nói.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tình trạng người dân uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Theo Chỉ huy Phòng CSGT Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 180 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng CSGT phối hợp kiểm tra, tuyên truyền phòng chống sử dụng rượu, bia, điều khiển phương tiện tham gia giao thông |
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, để hạn chế tình trạng vi phạm nồng độ cồn sau giãn cách vẫn là siết chặt lại hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Việc tuần tra kiểm soát đồng thời phải gắn với hoạt động tuyên truyền đến mọi người dân về tác hại của uống rượu bia khi lái xe. Xử phạt vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến giao thông theo Nghị định 100 chỉ là phần ngọn, gốc của vấn đề là xử lý cả nơi buôn bán, sản xuất kinh doanh rượu bia.
Việc kiểm soát nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cần thực hiện đồng thời, đồng loạt từ sản xuất, kinh doanh theo Nghị định 117/2020 của Chính phủ, nhất là đối với hành vi bán rượu bia cho trẻ em dưới 18 tuổi. Vụ tai nạn ở Đắk Lắk liên quan 3 trẻ em uống rượu điều khiển phương tiện khiến 2 người chết, 1 người bị thương xảy ra vào ngày 7/11 là ví dụ điển hình của việc chưa kiểm soát được bán rượu bia cho trẻ em.
Trước thực trạng trên, lực lượng công an tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông những tháng cuối năm và trong dịp Tết cần tiếp tục duy trì chuyên đề xử lý đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn.