Uống ít rượu bia, kiểm tra vẫn “dính” nồng độ cồn
CSGT tập trung xử lý nồng độ cồn sau "nới lỏng giãn cách" Xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn Lái xe bán tải nồng độ cồn vượt khung, gây tai nạn rồi bỏ chạy |
Lần đầu tiên bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn
Khi Nghị định 100 có hiệu lực, nhiều lái xe đã rỉ tai nhau về mức phạt rất cao nếu “chẳng may” bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Bên cạnh việc một số ít người dân có hành động chống đối lực lượng chức năng thì cơ bản đều chấp hành quy định xử phạt, ký biên bản xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện, giấy tờ liên quan.
Cán bộ Đội CSGT số 1 làm nhiệm vụ trên địa bàn quản lý |
Ghi nhận của phóng viên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm do Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) quản lý chiều 10/11 cho thấy, cả hai trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 đều trình bày chỉ “nhấp” một chút rượu bia do nể bạn bè. Hậu quả, cả hai đều bị xử phạt hành chính do nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, tổ công tác chuyên đề nồng độ cồn của Đội CSGT số 1 đã phát hiện, ra tín hiệu dừng xe và yêu cầu anh Nguyễn Thành C (ở Hà Nội) đo nồng độ cồn. Kết quả, anh C có nồng độ cồn 0,165mg/lít khí thở.
Anh C bị lực lượng chức năng phát hiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông |
"Hôm nay tôi có chút việc. Tôi cũng trao đổi với các anh ấy rồi, uống xong thì về nghỉ ngơi nên sử dụng một chút thôi. Đây là lần đầu tiên tôi bị xử phạt đấy", Anh C chia sẻ.
Giống trường hợp của anh C, anh Nguyễn Đức M (ở Ba Đình, Hà Nội) “hứng lên” uống bia với bạn bè và hậu quả là mất mấy triệu đồng nộp phạt khi nồng độ cồn đo được trong hơi thở là 0,194mg/lít khí thở.
Anh M mặt đỏ gay khi bị lực lượng chức năng phát hiện trong quá trình tuần tra kiểm soát |
"Tôi uống chút bia thôi. Đây là lần đầu tiên tôi bị xử phạt", anh M cho biết.
Hai trường hợp anh C và M đều bị lập biên bản xử phạt hành chính từ 2 đến 3 triệu đồng theo điểm c, khoản 6, Điều 6, Nghị định 100 và tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng (điểm đ, khoản 10, Điều 6, Nghị định 100) và một số lỗi vi phạm khác.
Anh C ký vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính |
Trên đây chỉ là hai trong số 520 vụ việc lái xe vi phạm về nồng độ cồn bị Đội CSGT số 1 xử lý từ ngày 15/12/2020 đến nay; Trong đó có có 4 trường hợp xe ô tô, 515 trường hợp xe mô tô, 1 trường hợp xe ba bánh.
Anh M chấp hành quy định của pháp luật sau khi có kết quả đo nồng độ cồn của Đội CSGT số 1 |
Việc xử lý và ngăn chặn kịp thời phần nào ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bởi không ai có thể chắc chắn rằng, các lái xe vi phạm nồng độ cồn sẽ điều khiển xe an toàn suốt cả quá trình di chuyển.
Người sử dụng bia rượu tham gia giao thông tăng trở lại
Đội CSGT số 1 phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đây là địa bàn trung tâm, có các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước của thành phố. Tình hình an toàn giao thông trên địa bàn trước giãn cách xã hội cũng phức tạp, chủ yếu người điều khiển phương tiện vi phạm về lỗi dừng đỗ sai quy định. Đây là lỗi đặc trưng của các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn Đội CSGT số 1 quả lý. Được sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng CSGT, Ban Chỉ huy Đội đã chỉ đạo tăng cường xử lý các lỗi vi phạm, đặc biệt là lỗi dừng đỗ sai quy định và nồng độ cồn theo kế hoạch.
Cán bộ Đội CSGT số 1 yêu cầu lái xe đo nồng độ cồn khi có dấu hiệu vi phạm |
Trong thời gian giãn cách, người dân không được phép ra ngoài, các hàng quán đều đóng cửa nên chủ yếu chỉ có người đi làm và thực sự cần thiết họ mới ra đường. Do vậy, tình trạng vi phạm trên các tuyến phố do Đội 1 phụ trách cũng giảm đáng kể.
Sau khi nới lỏng giãn cách, Ban Chỉ huy Đội CSGT số 1 đã chỉ đạo các tổ tuần tra phụ trách chuyên đề xử lý nghiêm những lỗi vi phạm dừng đỗ gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt, trọng tâm là xử lý các lỗi vi phạm về nồng độ cồn.
Đặc biệt, tình trạng vi phạm về nồng độ cồn bắt đầu xuất hiện trở lại và có chiều hướng phức tạp. Người dân có hiện tượng chủ quan, sử dụng rượu bia nhiều.
Anh M mặt đỏ gay sau khi tàn cuộc nhậu và bị lực lượng CSGT phát hiện, lập biên bản |
Trao đổi với cán bộ Đội CSGT số 1, phóng viên được biết, trong quá trình xử lý các lỗi vi phạm nồng độ cồn có một số trường hợp không chịu hợp tác.
Gần đây nhất, ngày 3/11, anh Trịnh Xuân P (ở Hà Nội) đã vi phạm lỗi nồng độ cồn nhưng không chấp hành việc kiểm tra của tổ công tác. Tổ công tác đã mời người dân làm chứng và kiên quyết xử lý, lập biên bản lỗi không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn.
Ngày 9/10, anh Trịnh Xuân V (ở Nam Định) là thợ xây ở Hà Nội, có sử dụng rượu bia. Tổ công tác tiến hành kiểm tra và đã lập biên bản vi phạm tại chỗ, đồng thời mời anh V ký nhận biên bản vi phạm hành chính nhưng người này từ chối ký và tự ý bỏ đi. Tổ công tác đã mời người dân làm chứng, ghi nhận và kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Là người thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn Đội CSGT số 1 quản lý, ông L.V.N (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi biết uống rượu bia rồi điều khiển ô tô, xe máy ra đường là vi phạm, sẽ bị phạt. Thỉnh thoảng tôi uống nước có gas, mặt hơi đỏ do bệnh huyết áp, nhiều cán bộ công an thấy vậy cũng gọi lại để kiểm tra, đo nồng độ cồn. Tôi không có nồng độ cồn trong khí thở. Mặc dù vậy, các cán bộ chiến sĩ vẫn nhắc nhở thêm để người dân có ý thức tham gia giao thông không sử dụng bia rượu.
Tôi cũng có lời nhắn với mọi người không nên uống rượu bia khi tham gia giao thông vì không đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người. Mức phạt tôi nhớ không nhầm là 7 triệu đồng".
Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Đội CSGT số 1 quản lý không có trường hợp tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến sử dụng nồng độ cồn nhưng theo lực lượng chức năng, việc sử dụng bia rượu rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn, gây hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân cũng như người xung quanh. Lực lượng CSGT cũng khuyến cáo người dân, đã uống rượu bia thì không lái xe tham gia giao thông.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội |
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải (Tổ trưởng Tổ chuyên đề Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) thông tin về các mức phạt liên quan đến nồng độ cồn và biện pháp xử lý của lực lượng chức năng. Cụ thể, đối với lỗi vi phạm về nồng độ cồn sẽ có 3 mức vi phạm theo Nghị định 100 như người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi nồng độ cồn chưa vượt quá 0.25 miligam/1 lít khí thở, mức phạt từ 2 - 3 triệu đồng; Trung bình sẽ phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 11 tháng, giữ xe 7 ngày. Mức thứ 2, từ 0.25 - 0.4 miligam/lít khí thở sẽ phạt 4,5 triệu, giữ xe 7 ngày và tước giấy phép lái xe 17 tháng. Mức cao nhất đối với người điều khiển xe mô tô khi nồng độ cồn cao hơn 0.4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Mức vi phạm nồng độ cồn đã được quy định cụ thể theo Nghị định 100 |
Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải: “Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, tài xế sẽ không làm chủ được tốc độ và tay lái, dễ gây ra tai nạn cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát vi phạm nồng độ cồn cũng có trường hợp không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn. Đối với những trường hợp vi phạm này, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt lỗi không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Theo Nghị định 100, lỗi này sẽ bị xử lý ở mức cao nhất của khung hình phạt đối với việc vi phạm nồng độ cồn".