“Miền xa thẳm” đã thỏa lòng mong đợi của hàng ngàn khán giả
Linh thiêng khúc ca từ “Miền xa thẳm” Chạm đến trái tim khán giả với niềm xúc động sâu sắc Lặng yên nghe tiếng vọng từ “Miền xa thẳm” |
Hơn cả một chương trình nghệ thuật, “Miền xa thẳm” còn là tấm lòng của người Hà Nội tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ đã hy sinh xương máu, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Tiết mục nghệ thuật trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Miền xa thẳm” tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo đã khiến khán giả xúc động |
“Miền xa thẳm” được dàn dựng công phu, hoành tráng mà lắng đọng, từng tiết mục của chương trình đã chạm đến trái tim người xem với niềm xúc động sâu sắc.
Trực tiếp thưởng thức chương trình chính luận nghệ thuật tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (86 tuổi) không khỏi nghẹn ngào và xúc động. Cả một bầu trời ký ức như ùa về trong tâm trí, được nghe lại và lắc lư, ngân nga hát theo các ca sĩ những bài ca cách mạng hào hùng đi cùng năm tháng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (váy tím) đã có những dòng chia sẻ đầy xúc động sau khi tham dự chương trình nghệ thuật đặc biệt này |
Kết thúc chương trình, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đã có những dòng chia sẻ đầy xúc động trên trang cá nhân của mình: "Chân thành cảm ơn chương trình đã tái hiện một cách sống động lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta từ thời Hai Bà Trưng đến nay.
Đặc biệt, lần đầu tiên, tôi được thưởng thức trọn vẹn, đầy đủ khúc ca hùng tráng mà lâm li “Hát Giang trường hận” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Tác phẩm như một lời thống thiết, trải niềm đau xót, uất hờn với non sông đất nước, cũng là để tưởng nhớ các tướng sĩ của Hai Bà đã vị quốc vong thân.
Năm 1946, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sửa lời và đổi tên ca khúc “Hát Giang trường hận” thành “Hồn tử sĩ” để tưởng nhớ và chiêu hồn các Anh hùng Liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. “Hồn tử sĩ” - một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, một bản tráng ca hào hùng, bất tử, qua đó lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc càng được khơi dậy mạnh mẽ.
Cảm ơn chương trình đã tạo cơ hội cho thế hệ người cao tuổi chúng tôi được sống lại những ngày tháng oanh liệt với các bài ca cách mạng, cùng ngân nga hát theo những ca sĩ tên tuổi với những bài ca cách mạng của các nhạc sĩ, thi sĩ, chiến sĩ. Đó là những bài ca hào hùng đi cùng năm tháng, đồng hành với bước trường chinh lịch sử bi tráng, vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc.
Những bài hát hào hùng này không chỉ gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm mà còn là nhịp đập của trái tim chúng tôi, làm sống dậy niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương.
Đặc biệt, tôi nín lặng chờ đợi và hy vọng... thì đây rồi, chùm ca khúc của nhạc sĩ - cựu chiến binh mặt trận phía Bắc Trương Quý Hải cùng đồng đội.
Tiểu phẩm về lá thư bên cánh võng để lại của 3 Liệt sĩ Vị Xuyên anh hùng đã làm rung động đến vỡ òa cảm xúc trong trái tim tôi. Chắc hẳn nhiều người ở thế hệ chúng tôi cũng sẽ nghẹn ngào: Đó là tiếng thở hắt ra nhẹ nhõm và hởi lòng, thỏa dạ!
Các đại biểu và khán giả tham dự chương trình nghệ thuật "Miền xa thẳm" |
Phải thế chứ! Phải dám nói thẳng sự thật về cuộc chiến đấu đẫm máu mà oanh liệt chống kẻ thù. Bao nhiêu căn nhà bị tàn phá! Nghĩa trang Vị Xuyên với hàng ngàn Anh hùng Liệt sĩ đã "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử". Đó là một phần không thể thiếu trong lịch sử dân tộc, xứng đáng được truyền tải đến các thế hệ mai sau.
Rưng rưng xúc động, nắm chặt tay nhạc sĩ - ca sĩ Trương Quý Hải, ca sĩ Vũ Thắng Lợi và nữ ca sĩ "không tuổi" Mai Hoa cùng toàn thể các nghệ sĩ biểu diễn hôm nay, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc.
Chúng tôi hy vọng rằng thế hệ ca sĩ trẻ hôm nay sẽ tiếp tục truyền lửa, giữ gìn và phát huy những bài ca cách mạng vĩ đại của lịch sử chống ngoại xâm. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đam mê và nhiệt huyết của các bạn, những bài ca này sẽ mãi sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và thế hệ tương lai".
Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Miền xa thẳm” đã khép lại nhưng những dư âm vẫn còn đó, khắc sâu vào trái tim người xem; để mỗi người tự cảm nhận và nghiêng mình tưởng nhớ công lao các Anh hùng Liệt sĩ; để sống sao cho xứng đáng với máu xương họ đã đổ vì Tổ quốc.