Chạm đến trái tim khán giả với niềm xúc động sâu sắc
Xúc động với bài hát về cha của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung Xúc động trước tấm gương Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng Thân nhân liệt sỹ Thủ đô xúc động nhận di ảnh được phục dựng |
Thắp lên ngọn lửa truyền thống quý báu
Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Miền xa thẳm” diễn ra lúc 20h ngày 30/7/2024 tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, truyền hình trực tiếp trên kênh H1, kênh phát thanh FM96, ứng dụng Hà Nội ON và các nền tảng số của Đài Hà Nội.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.
Các đại biểu tham dự chương trình |
Đại biểu TP Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Doãn Toản, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Doãn Trung Tuấn, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan TP; Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công thương; Thiếu tướng Bùi Duy Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu Chiến binh TP Hà Nội; Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội; cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Sở, ngành thành phố.
Mỗi tháng 7 về, trên khắp dải dất hình chữ S cũng như trong nhiều gia đình Việt Nam, vô vàn ngọn nến lung linh được thắp lên trên mộ liệt sĩ, trên những dòng sông từng đỏ máu và nơi biển Đông sóng vỗ bạc đầu.
Chương trình nghệ thuật chính luận "Miền xa thẳm" là tấm lòng của người Hà Nội dâng lên những Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc |
Tháng 7, cả nước như gắn bó thêm trong niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đi trước, những người đã chiến đấu, hi sinh và cống hiến xương máu của mình cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Thông qua chương trình "Miền xa thẳm", những người thực hiện sự kiện muốn thêm một lần nữa thắp lên ngọn lửa truyền thống, đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Chính bởi vậy, chương trình đã mang đến những tiết mục vô cùng ấn tượng và xúc động. Đầu tiên phải kể đến biểu tượng của chương trình được lấy cảm hứng từ tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" được đặt tại vườn hoa Vạn Xuân, Hà Nội.
Hình ảnh một người phụ nữ mặc áo dài, cầm kiếm và một chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng tượng trưng cho tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Các tiết mục mang đến niềm xúc động với người xem |
Chia sẻ về lý do chọn hình tượng này, nhà báo Ngô Thanh - Tổng đạo diễn chương trình “Miền xa thẳm” cho biết: “Tượng đài này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một biểu tượng mạnh mẽ về tinh thần yêu nước, về sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh.
Dải cờ đỏ phía sau tượng đài như một lời nhắc nhở về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, đồng thời tượng trưng cho dòng máu nóng của các anh đã xả thân vì nước.
Chúng tôi mong muốn thông qua hình ảnh này, truyền tải đến khán giả thông điệp về lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng Liệt sĩ, đồng thời khơi dậy ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người hôm nay".
Điểm đặc biệt nữa, ngoài điểm cầu chính là Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, chương trình còn kết nối với 5 điểm cầu trên khắp cả nước: Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ điểm cao 468 (Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).
Đây đều là những nơi linh thiêng, ghi dấu những hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sĩ. Việc lựa chọn những địa điểm này nhằm tạo ra một không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của sự hy sinh và lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống.
Trong 120 phút, “Miền xa thẳm” sẽ giới thiệu những tác phẩm sống mãi với thời gian, được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Những tác phẩm này được chuyển soạn và phối khí lại cho Dàn nhạc bán cổ điển, nhằm mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, xen lẫn niềm tự hào. Qua đó, người xem sẽ càng thấu hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình.
Những tấm gương sáng ngời về chiến đấu và hi sinh cho Tổ quốc
Ngoài các bài hát, chương trình còn có các tuyến phóng sự và tiểu phẩm kể về những câu chuyện hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ. Đó là ca mổ đau đớn nhất trong đời người của bác sĩ Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh đầu tiên).
Mùa Đông năm 1946, ngay trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, nhiều người con ưu tú của Hà Nội đã ngã xuống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Có một câu chuyện về ca mổ đau đớn nhất trong cuộc đời bác sĩ Vũ Đình Tụng, vị Bộ trưởng bộ Thương binh, cựu binh đầu tiên của nước ta, đến nay vẫn để lại nhiều xúc cảm.
Giữa một đêm tháng Chạp năm 1946, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp đặc biệt. Đó là một chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội còn rất trẻ. Anh bị thương do một đường đạn chí mạng từ sau lưng xuyên phá ra phía trước khiến vỡ bụng và được chỉ định phải phẫu thuật ngay. Vết thương tuy rất nặng, đau xé cả tim gan nhưng người chiến sĩ vẫn cắn răng chịu đựng.
Ngay từ chiều tối, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã tập trung cao độ cho việc cứu chữa hàng chục chiến sĩ từ khắp các mặt trận trong nội thành chuyển về. Áp lực công việc khiến ông căng thẳng tới mức tột độ.
Khi ấy, các đồng nghiệp khuyên ông tạm nghỉ tay sau cả ngày làm việc cật lực, nhưng bác sĩ Tụng vẫn quyết tâm phẫu thuật ngay khoang bụng cho người chiến sĩ trẻ.
Khán giả không kìm được nước mắt vì xúc động |
Bỗng... ông sững sờ khi bắt gặp một gương mặt thân thương, quá đỗi quen thuộc...
Trong thời khắc ấy, bác sĩ Tụng cố nghiến răng, kìm chế cảm xúc để bình tĩnh gắp mảnh đạn cuối cùng trên thân thể người chiến sĩ. Cho dù đã hết sức cố gắng nhưng vết thương quá nặng đã cướp đi người còn trai yêu quý của bác sĩ Vũ Đình Tụng. Trước đó, con trai cả của ông, Vũ Đình Tín, cũng đã hy sinh sau ngày Tổng khởi nghĩa.
Ông choáng váng rời khỏi phòng mổ... Đó là ca phẫu thuật đau đớn nhất trong đời người bác sĩ!
Sau đêm Giáng sinh 1946, vào một chiều mưa phùn gió bấc, khi vừa mổ xong cho thương binh, bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đến thăm bệnh viện và trực tiếp đưa ông bức thư ngắn của Hồ Chủ tịch: "Gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, thưa ngài! Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước.
Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam".
Sau bức thư ấy, tháng 6/1947, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh - Liệt sỹ để toàn thể đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa với những người đã hy sinh để bảo vệ giống nòi, Tổ quốc.
Tại chương trình, khán giả cũng được biết về nguồn gốc ca khúc "Hồn tử sĩ". Đó là vào ngày đầu năm mới 1943, Tổng hội Sinh viên Đông Dương đã tổ chức đợt cắm trại tại Mê Linh. Khi ghé thăm đền thờ Hai Bà Trưng, xúc động trước tấm gương nghĩa liệt của Hai Bà, nhạc sĩ trẻ Lưu Hữu Phước đã cảm tác nên một ca khúc bất hủ.
Từ năm 1943 ngoái lại quá khứ, thời gian đằng đẵng trôi đi, sau đúng 1900 năm kể từ ngày Trưng Nữ Vương gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết, đất nước vẫn chìm đắm trong cảnh vong nô, dân tộc vẫn một cổ hai tròng áp bức, nỗi hận ngàn đời vẫn kéo dài mãi khôn nguôi.
Tác phẩm âm nhạc mang tên “Hát Giang trường hận” phỏng thơ Phan Mai đã ra đời như lời thống thiết, trải niềm đau xót, uật hờn với non sông đất nước, cũng là để tưởng nhớ các tướng sĩ của Hai Bà đã vị quốc vong thân.
Tháng 5/1946, theo gợi ý của các vị lãnh đạo Việt Minh là Trần Văn Giàu và Tô Ký, Lưu Hữu Phước đã sửa lời và đổi tên “Hát Giang trường hận” thành “Hồn tử sĩ” để tưởng nhớ và chiêu hồn các Anh hùng Liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sang năm 1947, khi Chính phủ quyết định lấy ngày 27/7 làm ngày nhớ ơn các thương binh và liệt sĩ, “Hồn tử sĩ” được cất lên trong các buổi tiễn đưa những người con ưu tú của đất nước về nơi an nghỉ cuối cùng. Bài hát được sử dụng cho đến ngày hôm nay.
Trải ngàn năm dựng nước và giữ nước, lịch sử của dân tộc Việt Nam được viết bằng máu của nhiều thế hệ cha anh, làm nên bao kỳ tích anh hùng, những trang sử vẻ vang đầy khí thế. Lòng yêu nước của dân tộc được hình thành từ đó và đã trở thành điểm cốt lõi trong bản sắc văn hóa Việt, là sợi dây bền chặt gắn kết người Việt, tạo thành sức mạnh đoàn kết để bảo vệ non sông, bờ cõi.
Những phóng sự về tấm gương chiến đấu, hi sinh của các chiến sĩ khắp các mặt trận Sài Gòn, Quảng Trị, Vị Xuyên... một lần nữa được xuất hiện trên sóng truyền hình để nhắc nhớ thế hệ sau không bao giờ quên ơn các tấm gương đầy oanh liệt của cha anh ta đi trước.
Chính bởi vậy, một lần nữa chương trình đã khắc sâu vào trái tim người xem, để mỗi người tự cảm nhận và nghiêng mình tưởng nhớ công lao các Anh hùng Liệt sĩ, để sống sao cho xứng đáng với máu xương họ đã đổ vì Tổ quốc.