“Mở đường” cho các bạn trẻ khuyết tật “khởi nghiệp số”
Ông chủ khuyết tật trao cơ hội cho những người đồng cảnh Vượt lên số phận chạm tới vinh quang |
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, với sự tham gia của các đại biểu và 35 thanh niên khuyết tật tiêu biểu.
Nhiều người khuyết tật Việt Nam không kém gì Nick Vuijic
Anh Trịnh Công Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết, trong 35 bạn trẻ khuyết tật tiêu biểu tại đây có nhiều người đã, đang kinh doanh và tham gia vào kinh doanh trên nền tảng số ở các mảng như: Quảng cáo, in ấn, đào tạo dạy nghề cho thanh niên khuyết tật; tham gia vào sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm của quê hương…
Anh Trịnh Công Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam chia sẻ |
Theo anh Thanh, trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam có nhiều người không kém gì diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vuijic. Những tấm gương sáng ấy, cũng như kinh nghiệm mà các bạn thanh niên tiêu biểu trong chương trình “Toả sáng nghị lực Việt” chia sẻ, là kiến thức rất hữu ích cho thanh niên khuyết tật nói riêng và các bạn trẻ nói chung trên con đường lập nghiệp.
Anh Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mai và Dịch vụ quảng cáo B-ONE (tỉnh Đăk Lăk) bị khuyết tật vận động. Dù vậy, anh đã nỗ lực vươn lên, mở công ty truyền thông, quảng cáo, dạy thiết kế đồ họa online miễn phí bằng kênh Youtube B-One Multimedia. Chàng trai trẻ hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Đăk Lăk khó khăn có việc làm. Công ty của anh Bảo hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và tặng nhiều suất quà tới trẻ em, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Anh Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mai và Dịch vụ quảng cáo B-ONE chia sẻ |
Anh Dương Đình Bảo chia sẻ: “Trước đây, tôi luôn mặc cảm với hai từ khuyết tật. Năm 2015, bị tai nạn, tôi hụt hẫng, sau đó đi xin việc nhưng rất khó khăn. Tôi thấy nếu người ta thương mình thì mới nhận, còn lại bị khuyết tật rất khó hoà nhập. Năm 2016, tôi thành lập công ty về thiết kế đồ hoạ, tự chủ phát triển kinh tế và đào tạo, tạo việc làm cho những người đồng cảnh.
Hiện nay, kênh Tiktok của công ty có hàng chục nghìn người theo dõi. Nay, công ty có 15 máy để đào tạo online và offline. Tôi rất muốn kêt nối và nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành khác, để tạo nghề cho người khuyết tật, cũng như những người yêu thích đồ họa”.
Chia sẻ kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp
Chị Nguyễn Thị Vân (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống) - người có những đóng góp cho xã hội và nghị lực phi thường, truyền cảm hứng đến cộng đồng. Chị được bình chọn là một trong 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019, Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, Giải thưởng Sao đỏ.
Chị Nguyễn Thị Vân (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống) chia sẻ |
Anh Nguyễn Hữu Tú, UVBCH, Phó Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, UV Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, cho biết: "Hội thảo là nơi để các bạn chia sẻ với nhau và với tổ chức Đoàn, Hội về thực trạng, khó khăn mà các bạn thanh niên khuyết tật đã, đang gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, những thắc mắc và mong muốn được trang bị kĩ năng, công cụ số, để tự tin hơn khi khởi nghiệp trong thời đại 4.0 hiện nay". |
Chị Vân cho rằng: “Hiện nay có hai vấn đề đặt ra trong lĩnh vực đào tạo, đó là cần nắm bắt được xu hướng của thị trường. Không phải chúng ta dạy gì mà phải xem thị trường cần gì để dạy. Không phải chỉ là thị trường lao động cần gì hôm nay, mà tương lai thị trường cần gì. Câu chuyện đào tạo cái gì rất quan trọng, nên tôi nghĩ, chúng ta cũng cần thay đổi, kể cả “cách giải ngân”, tập trung vào việc đào tạo cái gì”.
Theo chị Vân, dạy nghề không khó mà đầu ra mới khó. Để cạnh tranh với thị trường, chúng ta phải đầu tư dài hạn.
Bà Đinh Thị Thuỵ, Trưởng phòng người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người bình thường khác. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới giúp họ có thể bước qua những rào cản, nắm bắt các cơ hội, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
Các bạn thanh niên khuyết tật tiêu biểu tham dự hội thảo |
Theo bà Thuỵ, thực tế, công nghệ hiện đại ngày nay đang dần thay thế sức lao động của con người. Con người sẽ đóng vai trò kiểm soát và điều hành nhiều hơn so với trước kia. Nhờ công nghệ hiện đại mà khoảng cách định kiến của xã hội với người khuyết tật đang ngày càng thu hẹp thông qua việc cung cấp các công cụ giao tiếp tiện lợi, sử dụng trí tuệ nhiều hơn, đặc biệt cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật được mở rộng.
“Để không lãng phí nguồn nhân lực này, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương, trường lớp thì các công ty, tổ chức cũng cần chia sẻ thông tin về việc làm cho người khuyết tật. Hai bên cùng có sự trao đổi sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Các trung tâm việc làm có thể tổ chức chương trình như triển lãm sản phẩm của người khuyết tật, ngày hội việc làm... mở ra môi trường để cả người khuyết tật cũng như doanh nghiệp hiểu rõ về nhau hơn”, bà Thuỵ gợi mở.