Mới chớm hè, gia tăng tai nạn do máy ép nước mía, hoa quả
Hàng loạt ca tai nạn liên quan đến máy ép nước mía, máy ép hoa quả
Trường hợp đầu tiên là một bé trai 6 tuổi ở Bắc Giang được đưa đến cấp cứu mới đây trong tình trạng lóc da dương vật, da bìu, lộ tinh hoàn, nguy cơ cao nhiễm trùng và hoại tử.
Tai nạn xảy ra khi cháu đứng gần máy ép nước mía đang hoạt động, cuốn quần của bé vào trục máy. Lực kéo mạnh và đột ngột tác động trực tiếp đến bộ phận sinh dục của cháu.
![]() |
ThS.BS Bùi Văn Quang, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám cho cháu bé bị tai nạn do máy ép nước mía |
Đây là tình huống hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phẫu thuật cấp cứu chuyên sâu để bảo tồn chức năng.
Tiếp đó, ngày 3/5, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nữ (70 tuổi ở Phú Thọ) làm nghề bán nước mía, có tiền sử tăng huyết áp không điều trị.
Trong lúc đang vận hành máy, bà bất ngờ chóng mặt, hoa mắt và không kịp phản ứng khi tay bị cuốn vào động cơ, gây tổn thương nặng bàn tay. Tai nạn xảy ra trong tích tắc, để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tâm lý với người bệnh.
Khi tiếp nhận các trường hợp tai nạn sinh hoạt, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khẩn trương tiến hành cắt lọc tổ chức dập nát và xử lý tổn thương, phẫu thuật kịp thời.
Ở trường hợp bé trai, ThS.BS Bùi Văn Quang, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Các chuyên gia đã phẫu thuật, khâu lại da 2 bên bộ phận sinh dục cho da bìu bảo tồn và hồi phục. Sau 3 tháng, bệnh nhi sẽ phẫu thuật để chuyển vạt, tạo hình da dương vật.
Còn ca bệnh nữ 70 tuổi, các bác sĩ tiến hành cắt lọc tổ chức dập nát và xử lý tổn thương da bị lóc, phẫu thuật cắt cụt ngón V.
ThS.BS Nguyễn Thành Luân, Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung cho biết: Sau khi được điều trị tích cực, chăm sóc hậu phẫu, người bệnh được chuyển sang Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ để chuyển vạt tạo hình khuyết mu da tay.
Phòng tránh tai nạn sinh hoạt từ các loại máy ép có động cơ
Trong dịp mùa hè, nước mía, nước hoa quả đã trở thành thức uống giải khát quen thuộc với nhiều người. Chưa bàn đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong những ly nước giải khát được quảng cáo “siêu sạch” thì việc sử dụng các loại máy ép hoa quả, máy ép nước mía có động cơ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Trước đây, để cho ra được một ly nước mía, người bán thường sử dụng máy ép nước mía đơn giản dạng quạt tay. Tuy nhiên, vì những chiếc máy ép mía đời cũ cồng kềnh và hao điện nên hầu hết các quán nước mía đã chuyển sang sử dụng loại máy ép tiên tiến hơn, được gọi là máy ép nước mía “siêu sạch” do gắn động cơ.
Các loại máy ép này rất tiện lợi, nhanh gọn lại vừa tiết kiệm điện, ép một lần là vắt được hết nước trong cây mía. Tuy nhiên, máy ép nước mía chạy đông cơ khá nguy hiểm và tạo tiếng ồn lớn, kích thước lại cồng kềnh.
Loại máy ép mía được sử dụng phổ biến hiện nay vẫn là loại máy có từ hơn 10 năm trước. Với thiết kế đơn giản gồm những chiếc bánh răng, hai ống ru lô dùng để ép cây mía.
Ở một số máy mới sản xuất sau này thì có thêm tấm chắn phía trước hai ống ru lô để tránh cho tay vào máy. Tuy nhiên, để thao tác được nhanh hơn, người bán nước mía thường tháo bộ phận này ra hoặc lật ngược lên tạo khoảng trống cho cây mía vào máy dễ hơn.
![]() |
ThS.BS Nguyễn Thành Luân, Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung đã phẫu thuật thành công bàn tay người bệnh cao tuổi. |
Tuy nhiên chính khoảng trống này cũng là nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn, chủ yếu là làm dập nát bàn tay. Những nguyên nhân thường gặp là do người bán hàng cố đút cây mía đã ép nhiều lần và được gập lại 2-3 lần để ép hết nước trong cây mía hoặc khi lau chùi máy ép mà quên tắt điện.
Một nguyên nhân nữa khiến người sử dụng máy ép mía truyền thống dễ bị tai nạn là khi lau chùi, vệ sinh máy mà quên tắt điện, tay bị máy cuốn vào.
Những tổn thương rất nặng do bàn tay bị ép chặt, không những xương nát vụn mà quan trọng hơn là các mạch máu và thần kinh dập nát gây ra tình trạng thiếu máu nuôi dẫn tới phải cắt bỏ ngón tay hay toàn bộ bàn tay.
Mùa hè đến gần, nhu cầu sử dụng nước giải khát tăng cao dẫn đến nhiều tai nạn sinh hoạt từ các loại máy ép nước trái cây, nước mía, các chuyên gia cảnh báo: Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ đến gần máy ép có động cơ khi đang hoạt động.
Người cao tuổi, người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch tuyệt đối không làm việc khi cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt – đây là dấu hiệu cảnh báo có thể dẫn đến tai nạn sinh hoạt đáng tiếc. Khi vận hành máy móc, mọi người cần trang bị các thiết bị an toàn (găng tay bảo hộ, nút ngắt khẩn cấp…)
Các bác sĩ khuyến cáo, khi xảy ra tai nạn cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật cấp cứu ngoại khoa, chuyên khoa chấn thương để xử trí kịp thời.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cứu sống bệnh nhân sốc mất máu do bị đâm thấu bụng

Nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng

Trường ĐH Y tế Công cộng và Quỹ VinFuture hợp tác phòng chống thuốc lá điện tử học đường

Nâng cao quyền lợi cho bệnh nhân tham gia BHYT trong chẩn đoán, điều trị

"An Khang sẵn sàng, nhà mình cứ hỏi"

Nâng cao chế tài xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả

Cần ban hành chính sách cụ thể để bảo vệ nhân viên y tế

Tăng cường hợp tác chăm sóc sức khỏe với Pfizer Việt Nam

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường
