Mong chờ giải pháp hiệu quả hơn nữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Doanh nghiệp khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính Đề xuất kéo dài chương trình phục hồi kinh tế đến hết năm 2024 Chính phủ đã rất nỗ lực trong điều hành kinh tế - xã hội |
Ngày 23/10, tại nghị trường Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ vui mừng, phấn khởi về kết quả và ý nghĩa của Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XIII.
Hội nghị đã thống nhất ban hành nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo sự đồng thuận xã hội, chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII, nhằm cải thiện đời sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.
Đồng thời, cử tri và Nhân dân đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, Đảng và Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề nhằm đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế được phục hồi phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện, uy tín và vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến |
Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20; Công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân đạt nhiều kết quả quan trọng, có tính lịch sử.
Cử tri và Nhân dân cũng ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng và Quốc hội.
Chính phủ cũng đã dành sự tập trung cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; Thành lập các tổ công tác để kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực và hậu quả nặng nề của dịch COVID-19 từ năm 2020 đến năm 2022, Chính phủ đang khẩn trương rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các thành phần kinh tế; Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; Kịp thời chỉ đạo khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ, cháy nổ...
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cử tri và Nhân dân kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người... để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân.
Đồng thời, cử tri và Nhân dân cũng kiến nghị kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm trong quản lý và thi hành công vụ, công khai danh tính, địa chỉ để Nhân dân giám sát.
Ngoài ra, cử tri và Nhân dân kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống...