Một góc nhìn khác về nước Pháp hoa lệ
Quang cảnh tòa nhà 5 tầng tại Rue Jean Roque trước khi người dân sinh sống tại đây được sơ tán. Ảnh: New York Times
Bài liên quan
Ông Macron đầy lạc quan “thay đổi nước Pháp”
Nước Pháp ăn mừng trước chiến thắng của ông Macron
Trò chuyện nghề báo với nữ nhà báo đương đại nổi tiếng bậc nhất nước Pháp
Phát sóng phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số ở nước Pháp”
Những tòa nhà sập sệ tại Marseille
Dân cư tại một tòa nhà cũ kỹ trên phố Rue Jean Roque, thành phố Marseille không giấu được vẻ hoang mang và lo lắng. Họ trèo lên những bậc cầu thang tối tăm và ọp ẹp, những mảng tường rơi vương vãi và các vết nứt của tòa nhà đủ lớn để cho một cánh tay qua để thu dọn đồ đạc và chuẩn bị rời đi. Đây là cảnh tượng sau khi nhân viên cứu hỏa của thành phố tuyên bố họ sẽ đóng cửa tòa nhà này.
Tòa nhà chung cư năm tầng tại Rue Jean Roque vốn không được giới chức thành phố quan tâm, giờ đây đang rơi vào cảnh không an toàn. Sau khi phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia, hai vụ sập nhà đã xảy ra vào tháng 11 vừa qua khiến 8 người thiệt mạng. Vì vậy, lãnh đạo tại Marseille đang tức tốc đề ra những phương án giải quyết để xoa dịu bức xúc của dân chúng.
Một trong những tòa nhà bị sập tại đường Rue d’Aubagne. Ảnh: New York Times |
Vào ngày 18/10 vừa qua, tức hơn 2 tuần trước khi xảy ra vụ sập nhà khác trên đường Rue d’Aubagne, một chuyên gia được cử xuống kiểm tra tình hình đã tuyên bố rằng tầng 1 của nhà này đang trong tình trạng nguy hiểm nhưng đã không nhận được phản hồi từ chính quyền thành phố. Những người thiệt mạng gồm một bà mẹ nhập cư có 8 đứa con, một sinh viên, một hoạ sĩ và một người di cư từ châu Phi thất nghiệp và không có giấy tờ tùy thân. Tai nạn đau thương này đã phản ánh thực trạng tồn tại sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa những người có chỗ ở, nước sạch, giáo dục và cơ hội việc làm với phần còn lại trong xã hội. Đặc biệt, điều này lại xảy ra tại Pháp nơi được đánh giá là quốc gia có hệ thống an sinh xã hội hàng đầu trên thế giới.
Ngay cạnh đó, tại khu Rue de l’Arc, hàng xóm sống ở tầng dưới yêu cầu cô Saida Ouaheb không được dùng tủ lạnh bởi nó khiến cho trần nhà của họ rung lên bần bật. Ba cô con gái của Ouaheb đều sợ hãi khi phải ở trong căn hộ này. Đứa con gái 9 tuổi của cô thậm chí còn không muốn rời trường học. "Chúng tôi không thể có giấc ngủ ngon ở đây", cô chia sẻ. Ouaheb vốn là nhân viên quét dọn tại một nhà hàng và thuộc diện được nhận trợ cấp của Chính phủ. Cô phải trả 730 đô la Mỹ mỗi tháng tiền thuê căn hộ này. Tại các tòa nhà tồi tàn như thế, nơi người nghèo sinh sống, một nỗi sợ đang bao trùm tất cả. Trẻ con thì sợ về nhà, những bà mẹ thì nói rằng họ thức giấc giữa đêm vì những chấn động dù là nhỏ nhất, còn sinh viên thà tìm chỗ khác để ngủ.
Tuy nhiên, đây không phải là những trường hợp cá biệt. Nhiều tòa nhà tại thành phố Marseille cũng trong tình trạng tương tự. Bước vào bất kỳ tòa nhà nào trong khu vực quận Noailles, người ta dễ dàng thấy những chiếc cầu thang nghiêng ngả đến chóng mặt. Mọi người được khuyên phải bám tay vịn và đi thật chậm rãi.
Những bậc cầu thang tối tăm, những mảng tường rơi vương vãi là cảnh tượng bên trong nhiều tòa nhà tại Marseille. Ảnh: New York Times |
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, giới chức thành phố đã di tản được 1.054 người ra khỏi 111 khu nhà ở tồi tàn, xuống cấp nghiêm trọng. Trong một báo cáo trình lên Bộ trưởng Nhà ở của Pháp năm 2015 cho thấy, 40.000 ngôi nhà tại Marseille xếp vào diện không an toàn, chiếm 10% tổng số cả nước. Tình trạng nhà xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 100.000 cư dân thành phố.
Marseille, thành phố lớn thứ 2 nước Pháp và là một trong những thành phố nghèo nhất ở châu Âu. Nơi đây đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở và sâu xa hơn nữa là cuộc khủng hoảng nghèo đói. Hơn một phần tư dân số tại đây thuộc diện nghèo.
Trách nhiệm của chính quyền
Nhiều người thắc mắc tại sao giới chức thành phố chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề như vậy. Điều này đang phản ánh về một nước Pháp rất khác. Nước Pháp của những người nhập cư và người nghèo.
Trong khi ngân sách thành phố có thể chi số tiền lên đến hàng triệu đô la Mỹ vào các sở hạ tầng cho thể thao và những công trình bảo tàng quy mô để hút khách du lịch thì hàng trăm tòa nhà ở trung tâm, một số thậm chí được xây từ thế kỷ XVIII, đồng thời là nơi trú ngụ của người nghèo lại không được quan tâm bảo trì. Những cuộc kiểm tra đều qua loa và chiếu lệ. Theo một tổ chức hoạt động xã hội, mặc dù trong một báo cáo năm 2015 đã cảnh báo có tới 40.000 tòa nhà không an toàn nhưng chính quyền thành phố chỉ tuyên bố một phần rất nhỏ công trình thuộc diện này vào năm 2016.
Một căn hộ tại những khu nhà đã xuống cấp tại Marseille. Ảnh: New York Times |
Trước tình trạng đó, hàng ngàn người dân thành phố đã xuống đường biểu tình để phản đối sự tắc trách của chính quyền. Họ vừa giơ cao hình ảnh của những người thiệt mạng trong vụ sập nhà vừa hô to “Guadin, kẻ giết người. Công lý đường phố sẽ lên án ông!”. Gaudin chính là Thị trưởng, người đã lãnh đạo thành phố Marseille trong nhiều năm.
Những người dân thành phố Marseille dù ăn mặc sang trọng hay rách rưới, hàng ngày đều tuần hành tới khu vực có hoa, nến được dựng tạm để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập nhà. Đa số người tham gia biểu tình là dân nhập cư sống trong các khu ổ chuột, bởi phần đông những công dân tư sản da trắng không bị ảnh hưởng… Patrick Lacoste, người đứng đầu tổ chức hoạt động xã hội của thành phố cho biết những gì vừa xảy ra đã phơi bày sự suy đồi và thờ ơ của chính quyền thành phố. Cô Bintou Cissé, chủ một cửa hàng nhỏ ở góc phố Rue Jean Roque, chia sẻ: “Mọi thứ ở đây đều mục ruỗng. Chẳng còn gì ngoài những khu ổ chuột”. Vừa nói, cô vừa nhìn lên những vết nứt bên ngoài tòa nhà. Còn Elise Sut, một nhạc công tham gia vào cuộc tuần hành chia sẻ sự thất vọng: “Thật không thể tin nổi chuyện này có thể xảy ra ở đây, ngay tại Pháp”. Đó chỉ là một trong số nhiều người bày tỏ sự thất vọng về tai nạn chết người liên quan đến những tòa nhà xuống cấp của thành phố lớn thứ hai tại Pháp.
Theo nhà xã hội học Michel Peraldi, Marseille là nơi tập trung các “bệnh lý” của vùng đô thị hậu công nghiệp tại Pháp. “Thành phố này chưa từng phục hồi sau cơn khủng hoảng kép của phi công nghiệp hóa và phi thực dân hóa. Những ngành công nghiệp tận dụng nguyên liệu thô giá rẻ đã biến mất. Các thuộc địa thuộc địa từng là nguồn cung cho thành phố cũng không còn tồn tại. Tỷ lệ thất nghiệp tại Marseille cao gần 50% so với mức trung bình trên toàn nước Pháp. Nhiều gia đình từ Bắc Phi đã tràn vào thành phố này trong làn sóng nhập cư từ những năm 1950. Nhiều gia đình trong số đó có đến 3 thế hệ thất nghiệp nhưng chưa hề có bất kỳ chính sách nào của chính quyền sở tại để có thể tái hoà nhập các tầng lớp này vào xã hội”, ông phân tích thêm.