Một người trúng đạn lạc vào cơ quan sinh dục
Bệnh nhân nam N.V.H (24 tuổi, địa chỉ ở Cần Thơ) đang làm lúa ngoài đồng thì bất ngờ nghe tiếng nổ và đột ngột thấy đau nhói vùng bẹn và đùi, đồng thời thấy máu chảy từ vùng bẹn nhiều. Bệnh nhân quan sát xung quanh không thấy ai nên cố gắng di chuyển vào nhà và được người thân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 12h15 ngày 4/3 với tình trạng vết thương vùng bìu bên trái rộng 1cm, vết thương hở mặt trước đùi trái rộng 0.5cm đang chảy máu, mạch bẹn bên trái bắt rõ.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phối hợp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân |
Các bác sĩ tiến hành sơ cứu kiểm tra vết thương, xử trí cấp cứu xác, định đường di chuyển và tìm dị vật nghi ngờ là viên đạn. Các bác sĩ thực hiện X-Quang xương đùi trái ghi nhận dị vật cản quang nghi đầu đạn bằng kim loại trong mô mềm vị trí 1/3 trên đùi trái.
Sau hội chẩn, các chuyên khoa quyết định phẫu thuật lấy đầu đạn và khâu vết thương. Ê kíp phẫu thuật gồm: Ths. BS Đỗ Công Đoàn, Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu; BSCK1 Lâm Khải Duy, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình; Ths.BS Trần Thị Kim Luyến, Khoa Gây mê hồi sức thực hiện.
Các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thận - Tiết niệu thám sát thấy tổn thương xuyên thấu dương vật, niệu đạo, mào tinh hoàn trái và tiến hành rửa cắt lọc khâu cầm máu thương tổn, bảo tồn thành công phận sinh dục cho bệnh nhân.
Hình ảnh viên đạn lúc chiếu trên C-Arm và sau khi được gắp ra |
Ê kíp bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình thám sát vết thương đầu vào 0.5cm ở 1/3 trên đùi trái mặt trong, không thấy đầu ra. Rạch da, mở rộng theo đường đi của tổn thương, định vị dị vật bằng máy C-Arm và lấy ra một đầu đạn chì.
Sau đó, các bác sĩ bơm rửa sạch vết thương, đặt dẫn lưu kín, khâu đóng vết mổ. Quá trình phẫu thuật khá khó khăn do đường đi của viên đạn xuyên sâu vào các lớp cơ. E kíp phẫu thuật diễn ra thành công sau 2 giờ 40 phút.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết thương khô, không sốt, nước tiểu trong và được theo dõi, điều trị tại Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu.
Hình ảnh đầu đạn trên phim chụp Xquang |
Theo BSCK2 Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu của bệnh viện: Vết thương hỏa khí do tác nhân của vũ khí nổ có vận tốc lớn gây ra.Vết thương rất đa dạng và phức tạp, có thể kết hợp thương tổn nhiều bộ phận cơ quan cùng một lúc và dễ nhiễm khuẩn do tính chất ô nhiễm lớn, dập nát mô tế bào. Đối với vết thương do hỏa khí, tổn thương có năng lượng truyền dẫn cao do đó khó tiên đoán được mức độ tổn thương khi bị xuyên thấu. Hình thái thương tổn của vết thương do hỏa khí là rất phức tạp.
Trong thời chiến, chấn thương, vết thương do hỏa khí ở riêng biệt dương vật hoặc vùng bìu là hiếm gặp. Trong thời bình, chấn thương và vết thương vùng bìu và dương vật thường hay gặp hơn do các tai nạn trong sinh hoạt, tai nạn giao thông và tai nạn trong các hoạt động thể dục thể thao...
Việc chẩn đoán xác định không khó khăn. Những tổn thương dương vật và vùng bìu có thể cùng nguyên nhân, đơn thuần hoặc phối hợp với nhau. Tuy nhiên việc điều trị từ tuyến đầu sơ cứu đến điều trị triệt để tại các trung tâm phẫu thuật là một vấn đề cần được hết sức chú ý nhằm tránh để lại di chứng cho bệnh nhân.
Khi nghi ngờ bị vết thương do hỏa khí, nạn nhân cần được sơ cứu kịp thời, băng ép vết thương cẩn thận bằng gạc sạch và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời. Người nhà không cố lấy viên đạn ra dù miệng vết thương nhỏ vì không thể dựa vào vết thương bề mặt để đánh giá những tổn thương. Mức độ phức tạp của tổn thương phụ thuộc vào đường di chuyển của viên đạn.