Một thời và mãi mãi...
Lời cảm ơn của thế hệ trẻ gửi những anh hùng "Mãi mãi tuổi hai mươi" |
Năm 2005, đang là Trưởng ban Thư kí tòa soạn ở Báo Hànộimới, tôi được đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phùng Hữu Phú gặp gỡ, động viên biệt phái một năm về báo Tuổi trẻ Thủ đô làm Tổng Biên tập…
Cả núi khó khăn
Tôi có một tháng để bắt tay vào việc ra báo lại sau ba tháng đình bản - Việc này không đáng lo, việc đáng lo hơn là làm sao để có tiền trả lương cho 27 người trong khi ngân sách chỉ cấp cho 4 suất biên chế. Còn chuyện đoàn kết nội bộ thì tìm hiểu dần, cứ từ công việc mà đánh giá và điều chỉnh dần - tôi tự nhủ vậy.
Nói thực, lo kiếm cả trăm triệu đồng mỗi tháng là điều không dễ với tờ báo thời điểm đó. Đầu tiên phải ra báo mà báo có gì hấp dẫn mới có thể “chạy” được quảng cáo. Tôi xin ý kiến đồng chí Bí thư Thành đoàn Nguyễn Lan Hương ra số đầu bộ mới in màu tại Nhà in báo Quân đội Nhân dân 1. Hôm phát hành trở lại, đồng chí Bí thư Thành đoàn cùng nhiều cán bộ cơ quan Thành đoàn sang tòa soạn chúc mừng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa trong một giờ giảng dạy môn Biên tập báo chí tại Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) |
Điều tôi thấy rõ nhất là đa số mọi người trong cơ quan đều muốn đi làm trở lại và có cố gắng. Với những cây bút trước đó không ai được đánh giá cao nhưng với sự nhiệt tình, nhiều bài viết của mọi người như có lửa hơn. Còn để phát hành báo khi các sạp trước đó đã dừng nhận phát hành, tòa soạn buộc phải vừa liên hệ các sạp nhận phát hành lại, vừa tổ chức một đội sinh viên báo chí phát hành ngoài thị trường.
Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội cũng giúp đỡ báo ra công văn yêu cầu các đơn vị cơ sở của Thành đoàn mua báo, tuy không được nhiều nhưng cũng là nguồn động viên quí giá.
Thấm thoắt đã hết năm. Tình hình báo chưa ra đâu vào đâu, không nhẽ mình lại bỏ cuộc quay về Hànộimới? Thế thì hèn quá, nghĩ vậy, tôi tình nguyện ở lại tiếp tục chèo chống...
Duyên nợ giữa chừng
Những ngày tháng ban đầu qua đi, mối lo về mâu thuẫn nội bộ giảm dần thì mối lo cơm áo gạo tiền ngày một lớn: Quảng cáo có quá ít, không đủ trả lương cho mọi người.
Việc quan trọng nhất bấy giờ là tìm, mời được người về phụ trách quảng cáo nhưng hết người nọ, người kia đến thử, sau 4-5 tháng đều không kham nổi. Một số doanh nghiệp lớn được mời cũng đến thăm tòa soạn, đề nghị thành lập công ty làm quảng cáo nhưng tìm hiểu thấy nhiều khó khăn lại thôi…
Cuối cùng, phương án ra ấn phẩm phụ đã đem lại hiệu quả thật sự. Đó là ấn phẩm Tuổi trẻ Đời sống, đầu tiên phát hành hằng tháng rồi nhanh chóng tăng lên 2 kỳ/tháng, 4 kỳ/tháng rồi tăng lên 2 kỳ/tuần, nộp lãi cho tòa soạn cả trăm triệu đồng/tháng. Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã tăng phát hành lên 3 kỳ/tuần, in cả ở TP Hồ Chí Minh để tăng nguồn thu từ quảng cáo.
Những tưởng cứ đà ấy ít lâu nữa báo sẽ dần trả hết nợ. Tòa soạn cũng đã họp bàn chuẩn bị phương án xin ra báo Tuổi trẻ Thủ đô điện tử nhưng có những việc bất ngờ lại xảy ra. Vì một số lý do, đầu năm 2014, tôi về Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Nhìn lại thấy vui
Công việc mới ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực sự giúp tôi tìm được niềm vui. Ngoài việc giảng dạy, mỗi năm giảng viên như tôi phải thực hiện ít nhất một đề tài khoa học cấp trường, rồi viết bài cho tạp chí khoa học chuyên ngành, hướng dẫn một số học viên làm luận văn thạc sĩ, dự và viết tham luận cho các hội thảo khoa học, rồi tham gia Hội đồng Biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam…
Cũng nhờ thế, chỉ sau hơn 6 năm làm việc tại học viện, tôi đã viết thêm được 8 cuốn sách về nghiệp vụ báo chí (ngoài hai cuốn đã xuất bản trức đó), trong đó có nhiều cuốn là giáo trình cho nhiều trường đào tạo báo chí và chỉ trong 5 năm đã tái bản 3 lần như các cuốn Biên tập báo chí, Phóng sự báo chí…
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa |
Tôi vẫn quan tâm tới sự phát triển của báo Tuổi trẻ Thủ đô và hỏi thăm mọi người ở đây dù chẳng giúp gì được nhiều. Có khi chỉ là gửi một vài bài viết, có khi đưa sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền về thực tập, đôi khi đến tâm sự với các đồng chí lãnh đạo mới của báo, những người đầy năng lực. Họ không những giúp báo tự chủ hoàn toàn về tài chính, đưa tờ báo đi lên nhanh, vững chắc hơn với nhiều chuyên đề mới, nội dung phong phú hơn mà còn thực sự thổi hồn vào các phong trào thanh niên Thủ đô và cả nước, góp phần tôn vinh và cổ vũ những giá trị cao đẹp mà tuổi trẻ đã, đang và tiếp tục hướng tới.
Tuy chỉ gắn bó với báo Tuổi trẻ Thủ đô mấy năm, lại là những năm khó khăn nhất với nhiều kỉ niệm cả vui buồn nhưng khi xa tôi vẫn nhớ những con người giản dị, dễ mến ở đây, từ nhân viên nấu ăn, nhân viên phát hành báo cho tới các phóng viên, cán bộ tại cơ quan tôi từng gắn bó một thời. Mãi mãi không thể quên!
Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô: Mãi mãi một niềm tin |
Sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn |
10 cuốn sách nổi bật của NXB Kim Đồng năm 2019 |