Năm 2021, đầu tư, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà văn hóa và chợ dân sinh
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND thành phố và các sở, ban, ngành thành phố.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc |
Hội nghị bàn thảo về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2021 của thành phố và một số nội dung về triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 9/6/2020 của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính- ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”. Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, trước khi các nội dung trên được đưa ra xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố để UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp diễn ra vào tháng 12/2020.
Bố trí trên 180 nghìn tỷ đồng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội tại hội nghị, thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố dự thảo Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, qua tổng hợp, nhu cầu đầu tư công trung hạn 2021-2025 của thành phố khoảng trên 480 nghìn tỷ đồng, trong khi đó sau khi cân đối các nguồn, thành phố bố trí được trên 180 nghìn tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, thành phố bố trí 18.000 tỷ đồng từ nguồn sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; Dự kiến bố trí 8.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương để sử dụng cho chi đầu tư phát triển.
Năm 2021, thành phố dự kiến bố trí 100 tỷ đồng để hỗ trợ chi đầu tư phát triển và 50 tỷ đồng hỗ trợ chi thường xuyên một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với các quận, năm 2021 đã có 3 quận (Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm) đề xuất hỗ trợ 7 huyện với tổng số tiền dự kiến khoảng 162 tỷ đồng...
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc |
Tính đến ngày 10/11/2020, toàn thành phố đã giải ngân được 22.354,5 tỷ đồng, đạt 51,1% kế hoạch thành phố giao và bằng 57,5% kế hoạch Trung ương giao.
Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển của cấp thành phố là 28.109,064 tỷ đồng (tăng 0,2% so với năm 2020), trong đó, bố trí vốn thực hiện các chương trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công là 23.909,064 tỷ đồng và cân đối bố trí cho các nhiệm vụ đầu tư phát triển khác là 4.200 tỷ đồng. Với nguồn vốn trên, sẽ có 82/179 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố và 91/153 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện được hoàn thành…
Tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã cho ý kiến vào các lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, như: xử lý môi trường, cấp nước sạch cho các xã khó khăn; Đầu tư hệ thống chợ dân sinh; Các công trình vệ sinh trường học và các công trình nhà văn hóa đối với các thôn còn thiếu...
Theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, sau cuộc làm việc, các Sở, ngành tiếp tục rà soát theo thứ tự ưu tiên để hoàn thiện danh mục các dự án; Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tính toán một cách căn cơ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.
Rà soát, ưu tiên các dự án quan trọng, cấp thiết
Sau khi nghe các đại biểu trao đổi, thảo luận, kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương rà soát, hoàn thiện từng nội dung về việc triển khai Nghị quyết 115 của Quốc hội trên cơ sở tính toán căn cơ về giải pháp, lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi cao và kịp thời trình HĐND thành phố trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Cùng với nội dung trên, Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương chuẩn bị Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Kế hoạch đầu tư công năm 2021 để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trước khi trình HĐND thành phố thông qua.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc |
Đối với Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2021-2023), 5 năm (2021-2025) và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ trình các vấn đề có tính chất khung, nguyên tắc, để dành thời gian tập trung bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở những căn cứ xác đáng, bảo đảm phù hợp với khả năng chi và tính khả thi cao nhất.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các kế hoạch trên phải gắn bó chặt chẽ với nhau và gắn với quy hoạch phát triển thành phố, bảo đảm triển khai kịp thời, đầy đủ các công trình dự án và thực hiện các nhiệm vụ củng cố, phát triển hệ thống an sinh xã hội; Giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề dân sinh bức xúc như cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...
Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát từng dự án năm 2021 trên cơ sở đó thẩm định kỹ từng dự án, nhất là tổng mức đầu tư; từ nhu cầu đầu tư của các cấp, các ngành xác định rõ thứ tự ưu tiên; Trong đó cần tập trung những lĩnh vực quan trọng như các công trình liên kết vùng, hạ tầng khung, kết cấu hạ tầng giao thông trong các đô thị, các dự án hiện thực hóa quan điểm phát triển đồng đều của thành phố như Quốc lộ 1A cũ, Quốc lộ 21B; Hạ tầng cho những huyện đang phấn đấu lên huyện, hạ tầng công nghệ thông tin...
“Trong năm 2021, phải đầu tư giải quyết dứt điểm tình trạng thôn, tổ dân phố thiếu nhà văn hóa và giải quyết ít nhất 50% địa bàn thiếu chợ dân sinh” - đồng chí giao nhiệm vụ.
Về các nguyên tắc và giải pháp trong các kế hoạch liên quan đến tài chính – ngân sách, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cấp, các ngành liên quan phải tập trung vào các giải pháp tăng thu, đồng thời triệt để tiết kiệm, nhất là các khoản chi khánh tiết, chi đi nước ngoài... Đặc biệt, các đơn vị phải vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách mới đã được Trung ương cho phép như giải phóng mặt bằng theo cơ chế rút gọn hay ứng trước từ nguồn dự trữ tài chính...
Đồng chí cũng lưu ý, việc thực hiện các cơ chế liên quan đến tài chính - ngân sách phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không được phép vi phạm nguyên tắc, không để tồn tại cơ chế “xin - cho” và phải nhất quán, rõ ràng, mạch lạc.