Năm 2023, huyện Thường Tín đặt ra 21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 147,38% dự toán giao
Sáng 22/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Thường Tín về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023.
Quang cảnh buổi làm việc |
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2022 ước thực hiện trên 1.132 tỷ đồng, đạt 147,38% dự toán giao và tăng 1,81% so với năm 2021. Tổng thu ngân sách địa phương năm 2022 ước thực hiện trên 3.230 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2022 ước đạt 22.543 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 16,2% so với năm 2021; tổng giá trị thương mại - dịch vụ năm 2022 ước đạt 15.916 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 16,6% so với năm 2021.
Tính đến ngày 20/12/2022, tổng số vốn giải ngân huyện thực hiện là 620,674/1.118,329 tỷ đồng, đạt 55,5% kế hoạch huyện giao (đạt 71,4% kế hoạch thành phố giao). Theo lãnh đạo huyện Thường Tín ước giải ngân cả năm 2022 đạt 100% kế hoạch thành phố giao.
Đến nay, Thường Tín đã hoàn thành công tác xây dựng Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện trình UBND thành phố phê duyệt; Hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát, thống kê đất đai trên địa bàn huyện theo quy định.
Ngoài ra, huyện tập trung quyết liệt, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện; Đẩy mạnh thực hiện công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng, giải quyết tái định cư, giao đất để triển khai 48 dự án.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cũng thẳng thắn nhận định một số hạn chế tồn tại, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia và công tác xây dựng nông thôn mới.
Nguyên nhân việc thực hiện triển khai dự án còn gặp khó khăn, thực hiện ngoài hiện trường, thanh toán, giải ngân bị chậm do một số dự án phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án…
Ngoài ra, công tác chỉ đạo điều hành của một số phòng, ban, địa phương chưa sâu sát thực tế và quyết liệt; Công tác phối hợp giữa các phòng, ban, địa phương trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, xử lý vấn đề phát sinh chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả. Chính quyền một số cơ sở chưa tập trung chỉ đạo kịp thời, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, công trình thủy lợi đê điều tại cơ sở mình quản lý…
Năm 2023, huyện Thường Tín đặt ra 21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, giá trị sản xuất dịch vụ - thương mại tăng 17,2% so với năm 2022; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (theo phân cấp) hơn 1.156 tỷ đồng; Thu ngân sách địa phương hơn 2.379 tỷ đồng…
Tháo gỡ khó khăn liên quan đến 6 kiến nghị của huyện
Tại buổi làm việc, UBND thành phố, huyện Thường Tín và các sở, ban, ngành đã trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến 6 kiến nghị của huyện với thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc |
Trong đó, huyện đề nghị thành phố quan tâm định hướng phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… bảo đảm đáp ứng các tiêu chí thành lập quận trên địa bàn huyện Thường Tín.
Huyện cũng đề nghị thành phố bổ sung kế hoạch đấu giá quyền sử đất, kế hoạch sử dụng đất và giao UBND huyện Thường Tín làm chủ đầu tư thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng các ô theo quy hoạch đô thị S5 và khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên thuộc địa bàn huyện Thường Tín; Quan tâm đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ trên địa bàn huyện…
Huyện Thường Tín cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thành phố đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, huyện Thường Tín đề xuất thành lập mới và mở rộng một số cụm công nghiệp như: Thành lập mới các cụm công nghiệp Vân Ninh, Phú Vân, Lê Chương, Phúc Khánh, Chương Dương, Hiền Giang 2, Tín An… mở rộng các cụm công nghiệp Tiền Phong, Hiền Giang, Thắng Lợi, Lê Lợi, Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Văn Tự, Văn Bình…
Kết luận buổi làm việc, thay mặt UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh biểu dương huyện Thường Tín đã cơ bản hoàn thành toàn diện các mặt công tác năm 2022, từ đó phát huy khí thế, tinh thần của năm 2022 với nhiều thuận lợi cũng như thách thức để tạo đà cho năm 2023.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, huyện Thường Tín cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, những khó khăn, bất cập để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Đồng thời, chủ động thực hiện công tác phân cấp, ủy quyền theo Quyết định của UBND thành phố.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín cần lưu ý lãnh đạo toàn diện, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII), qua đó hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển của nhiệm kỳ 2020-2025.