Nam Long (NLG) muốn vay 950 tỷ đồng không đảm bảo, chú ý cảnh báo rủi ro của Bộ Tài chính
Tập đoàn Nam Long: Nhận loạt giải thưởng nhưng liên tục vi phạm về thuế TP HCM: Vi phạm trong lĩnh vực thuế, Công ty Nam Long bị xử phạt gần 280 triệu đồng |
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long, mã CK: NLG) vừa thông qua kế hoạch phát hành hai đợt trái phiếu.
Theo đó, Nam Long đã thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị theo mệnh giá tối đa là 500 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 36 tháng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp đối với tổ chức phát hành.
Trong đó, lãi suất dự kiến cho 4 kỳ đầu tối đa là 9,5% và số tiền thu được dự kiến sẽ sử dụng toàn bộ để thực hiện thanh toán cho việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai từ đối tác.
Bên cạnh đó, Nam Long cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 450 tỷ đồng, mục đích sử dụng toàn bộ tiền thu được để thực hiện thanh toán cho việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai từ đối tác.
Trái phiếu dự kiến có kỳ hạn tối đa 36 tháng, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp đối với tổ chức phát hành và lãi suất dự kiến 4 kỳ đầu tối đa là 9,5%/năm.
Như vậy, nếu phát hành thành công hai đợt, Nam Long dự kiến huy động được 950 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.
Nam Long dự kiến huy động được 950 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu |
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, nhiều công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nhằm huy động vốn nhưng không có tài sản đảm bảo, trong bối cảnh việc vay vốn tín dụng ngày càng khó khăn do các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục. Điều này được giới chuyên gia cảnh báo là rất rủi ro, có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản không có tài sản đảm bảo.
Thậm chí, ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ, trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trong vài năm qua ở Việt Nam thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá mạnh, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường bởi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp quá hấp dẫn. Theo ông Hiếu, cần hiểu trái phiếu không phải là công cụ đầu tư mà chính là công cụ nợ. Người trái chủ có quyền yêu cầu người phát hành trả lại số tiền mua trái phiếu sau thời hạn 3 năm, 5 năm, trong khoảng thời hạn nhất định nhà phát hành cần có nghĩa vụ trả nợ. Vị chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại chưa phải là lúc nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng trong bối cảnh nền kinh tế bấp bênh vì dịch bệnh. Vì vậy, ông Hiếu đã cảnh báo về nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu dần hiện rõ, đặc biệt là trái phiếu bất động sản. |