Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, Luật Bầu cử cho công nhân, người lao động
Giải đáp những vướng mắc về pháp luật lao động cho gần 300 công nhân, viên chức Tuyên truyền luật bầu cử đại biểu Quốc hội đến đoàn viên, thanh niên |
Các đại biểu tham dự buổi giao lưu |
Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, mục đích của buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, cập nhật tới đoàn viên, công nhân viên chức lao động và người sử dụng lao động kiến thức pháp luật, nhất là những quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động được điều chỉnh tại Bộ luật Lao động năm 2019 vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, góp phần sớm đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, trước thời điểm cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang tới gần, Ban Tổ chức cũng mong muốn thông qua buổi giao lưu trực tuyến này để thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, giúp mỗi đoàn viên, công nhân viên chức lao động nắm vững những nội dung chính của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, nhất là những quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử, từ đó lựa chọn bầu được những người tiêu biểu, có đủ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín tham gia vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến phát biểu |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến cho biết, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được ấn định vào ngày 23/5/2021. Công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng góp phần để ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân.
Thời gian qua, Công đoàn Thủ đô đã và đang tích cực tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó giúp công nhân viên chức lao động thực hiện tốt quyền lợi của mình, chọn lựa những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân. Giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức được đánh giá là kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục rất sáng tạo, mang lại hiệu quả, hữu ích với công nhân viên chức lao động.
Tại buổi giao lưu, nhiều công nhân, người lao động đã đặt ra những vấn đề còn băn khoăn. Chị Phạm Thị Nhung (Công ty Cổ phần Sản xuất Hà Thành) hỏi: Tôi có người quen làm cho một công ty, do dịch Covid-19 nên một số công nhân bị cho nghỉ luân phiên. Một số công nhân bị cho nghỉ không lương dài hạn không biết khi nào gọi đi làm lại, như thế có đúng luật lao động không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng- Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội giải đáp: Trường hợp của chị cũng là trường hợp mà nhiều công ty gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động thiếu việc làm và nghỉ luân phiên. Theo Bộ luật Lao động năm 2019 có 2 hình thức xử lý. Một là, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động. Đương nhiên trong thời gian tạm hoãn này người lao động không được hưởng lương trừ khi 2 bên có thỏa thuận khác.
Hai là, nếu người lao động nghỉ việc luân phiên thì trong thời gian đó doanh nghiệp phải chi trả tiền lương nghỉ việc cho họ theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu doanh nghiệp không có sự thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng là vi phạm pháp luật.
Người lao động đặt câu hỏi tại buổi giao lưu |
Chị Nguyễn Thị Kim Ánh (Công đoàn Công ty Cổ phần Sông Đà 505 ) thì băn khoăn: “Bạn tôi là công nhân, ký hợp đồng lao động ghi rõ lĩnh lương vào ngày 5 hằng tháng. Tuy nhiên, đến 20 tháng này bạn tôi vẫn chưa được nhận lương. Phía công ty không báo trước và chỉ nói do đối tác chưa thanh toán tiền hàng. Trường hợp này công ty sẽ bị xử phạt như thế nào?”.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng trả lời: Về trường hợp thời hạn chi trả tiền lương đã được quy định rõ trong Bộ luật Lao động. Cụ thể, doanh nghiệp phải trả lương theo đúng nội quy lao động. Trường hợp doanh nghiệp chậm trả tiền lương theo quy định đã vi phạm quy định của pháp luật lao động. Đương nhiên, nếu vi phạm thì phải xử lý, xử phạt hành chính theo đúng sai phạm. Theo Nghị định 28, hành vi chậm trả lương cho người lao động sẽ bị phạt hành chính từ 5 triệu đồng - 50 triệu đồng, tùy thuộc vào số người bị chậm lương. Đương nhiên, hành vi chậm trả lương theo đúng quy định đương nhiên là vi phạm pháp luật.
Với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bầu cử, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi để tìm hiểu rõ về các chính sách. Các chuyên gia cũng đã vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn, trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động.