Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa
Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa
Bài liên quan
Toàn quốc tạm dừng tiêm chủng thường xuyên trong 15 ngày
Bảo đảm đủ nguồn vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng
Không ghi nhận trường hợp tai biến tiêm chủng do chất lượng vắc xin
Cần dự trù số lượng vắc xin cung ứng sát với nhu cầu sử dụng
Tỷ lệ tiêm chủng ở các vùng sâu, vùng xa còn thấp
Thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố tạm dừng tiêm chủng thường xuyên 15 ngày kể từ ngày 1/4.
Mặc dù công tác tiêm chủng mở rộng đang phải tạm dừng để phòng chống dịch bệnh Covid-19 tuy nhiên cần có công tác chuẩn bị để tiếp tục triển khai tiêm chủng mở rộng ngay sau khi dịch bệnh đi qua.
Bởi trên thực tế, toàn quốc vẫn còn khoảng 5-10% số huyện chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng mở rộng dưới 90%, tập trung tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc tỷ lệ tiêm chủng mở rộng tại các vùng này còn thấp là do đời sống của người dân còn khó khăn, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí thấp, nhận thức chưa đầy đủ nên hầu hết các hộ dân chưa chú trọng đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cũng như đưa trẻ đi tiêm chủng.
Nhận thức của người dân về tầm quan trọng, tác dụng của việc tiêm chủng còn hạn chế; tâm lý lo lắng do chưa hiểu được những biểu hiện của việc tiêm chủng; bên cạnh đó, nhiều hộ lo thu hoạch nông sản nên không đưa con đi tiêm đúng lịch…
Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn... giao thông còn hạn chế nên việc đến được với các thôn bản rất khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa, các bản làng gần như bị cô lập với bên ngoài nhiều ngày, thậm chí đến cả tháng, phải rất khó khăn mới có thể đưa vắc xin đến các điểm tiêm chủng.
Ngoài ra, người dân tuy không còn thói quen sống du canh du cư nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn sống phân tán, nhiều hộ gia đình còn sinh hoạt trên những đồi núi cao để chăn nuôi và bám nương, ruộng nên cũng gây khó khăn cho công tác tiêm chủng.
Mặt khác, do nguồn cung vắc-xin 5 trong 1 thiếu; công tác quản lý đối tượng ở một số địa phương chưa sát thực tế và người dân lo sợ con bị phản ứng mạnh sau tiêm chủng nên các chỉ tiêu trong chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện thấp.
Theo kết quả nghiên cứu đề tài đánh giá thực trạng nhân lực y tế hoạt động trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại 6 tỉnh: Điện Biên, Bắc Kạn, Hà Nam, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bạc Liêu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy tỷ lệ cán bộ chương trình và giám sát tiêm chủng ở tuyến huyện được đào tạo từ hệ y tế dự phòng, y tế công cộng rất thấp (12,5%).
17,3% cán bộ chưa được tập huấn về tiêm chủng mở rộng và giám sát tiêm chủng từ 2002 - 2007, trong đó chủ yếu là những người mới tham gia giám sát.
Bên cạnh đó, do thiếu cán bộ ở các Trung tâm Y tế dự phòng huyện, mỗi cán bộ giám sát phải lồng ghép nhiều nội dung khi về xã và thiếu kinh phí cho hoạt động giám sát, nên hoạt động giám sát tiêm chủng chưa được thực hiện đều đặn vào ngày tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã, việc giám sát còn nặng về hình thức (cán bộ giám sát thường không dùng bảng kiểm, chỉ có mặt đầu buổi tiêm…) nên hiệu quả giám sát còn bị hạn chế. Đối tượng được đào tạo và tập huấn về tiêm chủng mở rộng hàng năm thường chỉ có trạm trưởng và cán bộ chuyên trách tiêm chủng.
Tuy nhiên thực tế thì tất cả cán bộ của trạm y tế xã đều tham gia các khâu trong buổi tiêm chủng thường xuyên nên việc đào tạo là chưa hợp lý dẫn đến tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng thấp. Do ý thức tuân thủ các quy định tiêm chủng của cán bộ y tế xã chưa cao, do hạn chế về năng lực, trình độ nên còn để xảy ra một số sai sót trong thực hành bảo quản vắc xin và tổ chức buổi tiêm chủng (không sử dụng miếng xốp, không có nhiệt kế theo dõi nhiệt độ vắc xin, không tổ chức bàn tiêm một chiều, thường xuyên để tình trạng chen lấn ồn ào, không khám phân loại trẻ trước khi tiêm...).
Kỹ thuật thực hành tiêm chưa đảm bảo như: Không lắc lọ trước khi lấy vắc xin, sát trùng da chưa đúng kỹ thuật, ghi phiếu tiêm chủng trước khi tiêm, không tuyên truyền về vắc xin khi tiêm, không hẹn ngày tiêm lần tới...
Ngoài ra, trang thiết bị được trang bị chưa đầy đủ, cũ, hoặc lâu ngày đã hỏng, hoặc không phù hợp cũng khiến cán bộ trạm y tế xã khó có thể thực hiện đúng các quy định trong tiêm chủng an toàn. Do nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ y tế thôn, cộng tác viên còn thấp, thay đổi luân chuyển y tế thôn làm giảm mất sự nhiệt tình trong công việc, gây khó khăn cho trạm y tế trong quá trình triển khai tiêm chủng miền núi, vùng khó khăn.
Cần xóa bỏ các “vùng lõm” về tiêm chủng
Để nâng cao được tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng tại các vùng này, trong những năm gần đây công tác tiêm chủng mở rộng luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, được sự chỉ đaọ sát sao của ngành y tế đặc biệt của cán bộ y tế trực tiếp tại tuyến tỉnh, huyện, xã và có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cộng tác viên y tế thôn bản, nhờ đó công tác tiêm chủng tại các xã miền núi ngày một tốt hơn.
Ưu tiên cấp đầy đủ hệ thống dây truyền lạnh, phích bảo quản vắc xin từ tuyến huyện đến xã, phường đảm bảo công tác bảo quản vắc xin trong tiêm chủng. Về nhân lực cử bác sĩ tăng cường, hỗ trợ cho các xã xa khó khăn; truyền thông trực tiếp về lợi ích tiêm chủng đến từng hộ dân, cán bộ y tế thôn trực tiếp báo lịch tiêm chủng đến từng nhà, trong ngày tiêm chủng trạm y tế, y tế thôn gọi điện trực tiếp cho các bà mẹ đảm bảo các trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Đến nay hầu hết các xã miền núi thực hiện tiêm chủng tại một điểm tiêm chủng trạm y tế, chỉ còn lại một số xã do đi lại quá khó khăn mới triển khai tiêm chủng lưu động. Nhờ đó kết quả tiêm chủng tại các xã khó khăn vùng sâu vùng xa đạt kết quả tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, công tác tiêm chủng cần phải đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng tình hình hiện nay của Việt Nam và hội nhập quốc tế. Trước mắt, trong thời gian tới, cần duy trì những kết quả đã đạt được; tăng cường tiếp cận tiêm chủng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các tỉnh, thành phố có di biến động dân cư lớn, tiến tới xóa bỏ các “vùng lõm” về tiêm chủng; đồng thời triển khai đồng bộ hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại tất cả các tuyến.