Ngăn chặn bạo lực học đường bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể
Kiểm soát và ngăn chặn bạo lực học đường bằng cách nào? Giáo viên trường THCS Giảng Võ chú trọng giáo dục phòng chống bạo lực học đường |
Thực trạng nhức nhối
Trong suốt cả tháng 3, cho đến nửa đầu tháng 4/2021, ngành giáo dục liên tiếp ghi nhận các vụ bạo lực học đường gây chấn động dư luận khiến Bộ GD&ĐT phải lên tiếng yêu cầu xử lý.
Nghiêm trọng nhất phải kể đến vụ bạo lực xảy ra ngày 1/4 tại trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) khi một nam sinh lớp 8 đã bị học sinh cùng trường đâm tử vong gây chấn động dư luận. Vụ việc không chỉ khiến người ta xót thương cho nam sinh xấu số ra đi khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà đau đớn hơn khi kẻ gây án lại chính là bạn học cùng trường của em.
Clip nữ sinh lớp 8 bị 2 đối tượng nữ mặc áo đen dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu vừa bị phát tán lên mạng ngày 9/4 |
Gần đây nhất, vào sáng 9/4, trên mạng xã hội facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh 1 em gái mặc đồng phục học sinh quần tây, áo trắng bị 2 người nữ đưa vào một con đường vắng rồi dùng mũ bảo hiểm và tay đánh liên tiếp vào đầu và mặt.
Chưa dừng lại, 2 người nữ còn dùng chân đạp liên tiếp vào người nữ sinh mặc áo trắng. Lúc này có nhiều người đứng gần đó đã reo hò cổ vũ, thậm chí dùng điện thoại để quay clip.
Vụ việc được cho rằng xảy ra tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt nguồn từ sự việc một học sinh cấp 2 “xưng hô thất lễ” nên bị “các đàn chị” học lớp 10 THPT ở trên địa bàn đánh hội đồng. Hiện Phòng Giáo dục đào tạo huyện Châu Đức cho biết, đơn vị đã nắm được sự việc và hiện đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành xác minh điều tra làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, sự việc thêm một lần nữa đã khẳng định bạo lực học đường đang diễn biến vô cùng nghiêm trọng, khiến phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng.
Những vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra với tính chất, động cơ và mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng réo lên một hồi chuông cảnh báo với học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đáng chú ý, hầu hết các sự việc bạo lực học đường chỉ được ghi nhận khi các em học sinh quay clip và phát tán trên mạng xã hội hay khi đã có những hậu quả đáng tiếc về tính mạng của các nạn nhân. Nhà trường, phụ huynh đã ở đâu khi những sự việc này xảy ra? Phải chăng đang có một lỗ hổng lớn trong giáo dục tại gia đình, tại trường học dẫn đến tình trạng đạo đức học sinh suy đồi, xuống cấp như hiện nay.
Chị Phạm Anh Thư (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Trong các clip được ghi lại, trước những nạn nhân bị đánh đập, hành hạ dã man là các em học sinh vây quanh đứng nhìn, không can ngăn hay gọi người lớn can thiệp. Thậm chí, nhiều em còn “tung hô” bạo lực, hùa theo những trò đùa lăng mạ nạn nhân, vô tư phát tán clip bạo lực.
Nguyên nhân dẫn đến những cuộc xô xát thì nhỏ nhưng hậu quả lại khôn lường. Đôi khi chỉ vì vô tình lườm bạn, vì một vài dòng tin nhắn trên mạng xã hội hay những hiểu lầm nhỏ nhưng lại dẫn đến bao tổn thương trong tâm hồn, thể xác các em tới tận sau này”.
Chị Thư cũng cho rằng, để xảy ra những vụ bạo lực học đường không thể thiếu phần trách nhiệm của những bậc làm cha, làm mẹ trong quản lý, dạy dỗ con cái ngay từ chính gia đình của mình.
Đừng để bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh
Vấn nạn bạo lực học đường là khoảng trống đáng buồn trong văn hóa ứng xử ở môi trường sư phạm vốn lâu nay vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện. Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” song những hệ lụy nó đem tới khiến cho xã hội phải trăn trở. “Với vai trò là một phụ huynh, tôi nhận thấy các bên liên quan và xã hội cần nhanh chóng vào cuộc, có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh để đáp ứng sự phát triển về thể chất và tinh thần cho học sinh” – chị Vũ Thu Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ.
Giáo viên trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) trò chuyện với học sinh chủ đề ngăn chặn bạo lực học đường. |
Tại Hà Nội, tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, chung sức với tinh thần trách nhiệm cao để khắc phục những tồn tại trong công tác giáo dục đạo đức, kịp thời hóa giải những mâu thuẫn để ngăn chặn hiệu quả tình trạng bạo lực học đường là quyết tâm của các đơn vị, nhà trường.
Tại quận Đống Đa, Phòng GD&ĐT quận cũng tăng cường chỉ đạo, giám sát các nhà trường trong việc xây dựng trường học an toàn; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo các tiêu chí nhà giáo mẫu mực của ngành Giáo dục Thủ đô là “phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp” để làm gương cho học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, trước thực trạng gia tăng bạo lực học đường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh công tác phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an ninh, an toàn trường học theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 781/UBND-KGVX ngày 18/3/2021; thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa ngành Giáo dục với lực lượng công an trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trường học.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với gia đình, có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh hiệu quả, quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; nắm bắt tâm tư, tình cảm và diễn biến tâm lý của học sinh hằng ngày, nhất là ở trên môi trường mạng Internet để kịp thời hóa giải những khúc mắc, va chạm của học sinh...
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức. Đa phần các học sinh đều có ý thức tốt, chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà trường và pháp luật, song vẫn còn một số học sinh có hành vi chưa đúng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu do một số cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhà trường chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định trong quản lý, giáo dục học sinh; công tác giáo dục đạo đức cho học sinh chưa được quan tâm...
Được biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường, phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường; chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện, xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục đảm bảo các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.