Ngăn chặn đuối nước ở trẻ em trong dịp hè
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ hai trên thế giới và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng học sinh bị đuối nước liên tục xảy ra trên phạm vi cả nước. Mới đây, ngày 3/6 tại xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh tử vong. Theo đó, vào khoảng 17h30 cùng ngày, nhóm hơn 10 học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ, phường Yên Thế, TP Pleiku rủ nhau đi thả diều và chơi tại khu đất trống thuộc thôn 4, xã Biển Hồ.
Khi đang chơi thì 4 em học sinh trong nhóm bị trượt chân xuống hồ và lọt vào vùng nước sâu. Thấy vậy, người dân quanh vùng đã kịp thời chạy đến cứu được 2 em lên bờ an toàn; Còn 2 em N.H.M.T và T.D.L.T (cùng sinh năm 2009) tử vong trên đường đi cấp cứu.
Các địa phương cần tăng cường cơ sở vật chất, dạy bơi cho trẻ nhỏ |
Trước đó, sáng 20/5, trong lúc người lớn không để ý, cháu Hồ Sỹ C (4 tuổi) và cháu Lê Thạc Q (3 tuổi) ở phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, tự ý mở cổng đi ra ngoài chơi và bị đuối nước ở ao gần nhà. Phát hiện sự việc, người nhà và hàng xóm đã đưa hai cháu đến cơ sở y tế cấp cứu nhưng hai cháu đã tử vong từ trước.
Trong tháng 4/2021 cũng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, đó là vụ việc một bé trai 6 tuổi tử vong do đuối nước tại một hồ bơi ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ vào chiều ngày 11/4. Trước đó, tại Quảng Bình vào ngày 10/4 cũng đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến hai chị em gái trong một gia đình tử vong khi đi bắt ốc.
Có thể thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều vụ học sinh bị đuối nước xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn cho các em nhỏ. Đuối nước được coi là một vấn đề y tế công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân tử vong chấn thương hàng đầu trên thế giới. Đuối nước có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ nhất.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ngoài cộng đồng chiếm 76%. Tình trạng đuối nước diễn ra ở cả trẻ biết bơi, bơi giỏi và không biết bơi.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, nguyên nhân tỷ lệ đuối nước cao đầu tiên là do nhận thức của gia đình và chính các em còn hạn chế về cả kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, môi trường sống tự nhiên của Việt Nam đặc thù, có đường biển dài, nhiều ao hồ, thiên tai mưa, bão, lũ nhiều cũng là nguyên nhân gây tai nạn cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, tại các khu vực nông thôn, mỗi dịp hè đến, trẻ nhỏ thường tự tổ chức chơi cùng nhau, thiếu kiểm soát của người lớn. Đặc biệt là tỷ lệ trẻ biết bơi ở nước ta rất thấp, thiếu bể bơi cho trẻ ở tất cả các vùng, kể cả ở Hà Nội, đội ngũ giáo viên cũng rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phổ cập bơi cho các em nhỏ.
Nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ nhỏ
Tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ. Vì thế, một trong những nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước thì chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ.
Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ. Phụ huynh cần trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao cảnh giác. Đồng thời, tạo điều kiện để trẻ học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó tai nạn đuối nước; Hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…
Để ngăn ngừa tình trạng đuối nước ở trẻ em, các địa phương cần phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng |
Trong những năm qua, nhiều địa phương cũng đã đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để chờ người lớn tới cứu.
Dạy kỹ năng an toàn cho trẻ là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh… Cần tăng cường nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn, bởi phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.
Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa ban hành Công điện 04 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
Theo đó, Bộ đã đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh, tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh và phòng, chống đuối nước trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi; Vận động các gia đình chủ động đưa trẻ em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại địa phương để tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.