Ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi của người bệnh
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác phòng chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi cho người bệnh
Bài liên quan
Tòa tối cao hướng dẫn áp dụng tội trốn đóng, gian lận BHXH
Ngành BHXH không ngừng đổi mới để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Từ 1/9: BHXH Hà Nội giải quyết chế độ ngắn hạn qua giao dịch điện tử
Thu 73.200 tỉ đồng từ thuế thu nhập cá nhân
Vẫn còn tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế
Trong những năm qua, thực hiện Luật BHYT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định liên quan, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: đổi mới cơ chế quản lý, cải cách thủ tục hành chính, phát triển khoa học, kỹ thuật, cải tiến chất lượng chuyên môn, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT. Qua đó đã đảm bảo quyền lợi của người bệnh theo quy định của pháp luật, góp phần quan trọng trong thực hiện mục BHYT toàn dân.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, ảnh hưởng đến việc sử dụng quỹ BHYT, đến quyền lợi của người bệnh, uy tín của ngành y tế và ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu là do một số bộ phận người lao động trong ngành y tế thiếu kiến thức và hiểu biết chính sách, pháp luật về BHYT, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, một số người lao động trong ngành y còn hạn chế về kiến thức, năng lực chuyên môn; sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành BHXH trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và giải quyết vướng mắc phát sinh.
Đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT
Để kịp thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành cần tăng cường công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, về khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, lãnh đạo Sở Y tế cần chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường công tác tự kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Ngoài ra, các Sở Y tế cần phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh…
Đối với Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đặc biệt chú trọng đến chỉ định dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng lạm dụng chỉ định điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng (xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh…), kê đơn thuốc quá mức cần thiết; ghi tên dịch vụ kỹ thuật, tên chẩn đoán không đúng với tình trạng bệnh nhằm được chi trả với giá dịch vụ cao hơn…
Chỉ thị số 10/CT - BYT cũng nêu rõ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phải rà soát, hoàn thiện các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật, quy chế chuyên môn, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh, làm cơ sở để hoàn thiện, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó phải tăng cường công tác quản lý chất lượng điều trị và giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện, bảo đảm chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.