Ngân hàng ACB vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng từ trái phiếu, đề phòng lách luật
Nợ xấu tăng cao, ACB dồn dập vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng từ trái phiếu |
Dồn dập huy động vốn từ trái phiếu
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã CK: ACB) vừa công bố chào bán thành công 2.500 trái phiếu, tương ứng 2.500 tỷ đồng cho một tổ chức trong nước với kỳ hạn ba năm, đáo hạn ngày 15/7/2024.
Trong đợt phát hành này, Công ty TNHH Chứng khoán ACB đóng vai trò là tổ chức tư vấn phát hành, đồng thời là đại lý phát hành, đăng ký lưu ký và thanh toán trái phiếu.
Trái phiếu của ACB là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải là nợ thứ cấp, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất trái phiếu là 3,5%/năm, trả định kỳ 1 năm/lần.
Được biết, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được ngân hàng sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, hỗ trợ đảm bảo tính ổn định nguồn vốn và phục vụ nhu cầu tín dụng cũng như như tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian qua, ACB liên tục đẩy mạnh việc huy động vốn qua kênh trái phiếu. Trước đó, từ ngày 6/5 đến 8/7, ngân hàng này đã phát hành 7 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 11.700 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, ACB đã huy động 14.200 tỷ đồng trái phiếu. Trước xu hướng lãi suất tiết kiệm giảm, nhà đầu tư có ý định hướng kênh đầu tư sang trái phiếu.
Không riêng gì ACB, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh phát hành trái phiếu để hút vốn trung và dài hạn đã làm thay đổi trật tự huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2021.
Ngân hàng TMCP Á Châu (mã CK: ACB) |
Theo các chuyên gia, việc mua và trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các nhà băng dễ huy động vốn hoặc cho khách hàng vay tiền hơn qua kênh tín dụng, giảm bớt các thủ tục cũng như các quy định ngặt nghèo của ngành ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng, thậm chí các ngân hàng có thể dễ dàng cho các doanh nghiệp dính nợ xấu huy động vốn.
Ở đây chúng tôi không đề cập đến việc ACB liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu là có vấn đề, có nghi vấn mà chỉ đưa ra những thông tin để các nhà đầu tư, bạn đọc tham khảo ý kiến.
Hạn chế ngân hàng lách luật
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên kiểm tra việc đẩy tín dụng qua kênh trái phiếu, việc này thường được mặc định vào ngày cuối tháng, quý hay hết năm, cho nên trước hạn báo cáo, quyết toán thì các nhà băng thường làm sạch sổ sách.
Nhằm hạn chế hơn nữa hiện tượng trên, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016, quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó quy định, trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp thì tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán. Trừ trường hợp bán có kỳ hạn và bán trái phiếu doanh nghiệp theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật.
Ảnh minh họa |
Sau 12 tháng, kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán khi bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng phải thanh toán toàn bộ số tiền mua tại thời điểm ký kết hợp đồng mua/bán trái phiếu doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tú - Chuyên gia phân tích cao cấp, SSI Research Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, an toàn, bền vững, tôi nghĩ cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tập trung, cập nhật, dễ tra cứu về các lô phát hành, thông tin tổ chức phát hành. Hiện tại chúng ta đã có chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp nhưng thông tin vẫn hạn chế và thiếu hệ thống, khó tra cứu. Đặc biệt hơn, thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh phát triển thông qua các yêu cầu về niêm yết trái phiếu tập trung, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu. |
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua.
Cùng với đó, tổ chức tín dụng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Mặt khác, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Trường hợp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã thay đổi phương án sử dụng vốn thì các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu khi doanh nghiệp có lãi liên tục trong 3 năm gần nhất và xếp hạng tín dụng cao nhất.
Dự thảo còn quy định giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp, theo đó, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với khách hàng và người liên quan theo quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động.
Mặt khác, tổ chức tín dụng phải quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp bao gồm giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp của một doanh nghiệp phát hành, mua trái phiếu của doanh nghiệp và doanh nghiệp liên quan; mua trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm, không có bảo đảm; mua với mục đích để bán, để kinh doanh, để nắm giữ tới ngày đáo hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) Về phía nhà đầu tư mua trái phiếu, pháp luật đã quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua. “Mọi hành vi lách các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo... sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư và họ có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu”, ông Dương nhận định. Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, nhà đầu tư có thể vi phạm quy định của pháp luật nếu cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện được các hành vi “lách” quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng cho nhà đầu tư, các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. |