Ngân hàng băn khoăn gói “cấp cứu” ngành hàng không
Chiều 28/9, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ.
Tại hội nghị, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp hàng không cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, do phải giãn cách để chống dịch Covid-19, ngành hàng không bị tổn thất chưa từng có trong lịch sử.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, số lượng chuyến bay và hành khách giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80-90%.
"Các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều đã bị dừng. Trong đó, đường bay quốc tế sẽ phải hàng năm nữa mới có thể được khôi phục trở lại và có thể phải mất nhiều năm mới đạt lại mức trước dịch", ông Nề nói.
Cũng theo ông Bùi Doãn Nề, mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80-90%.
Cũng theo vị này, từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có những hỗ trợ rất tích cực cho ngành hàng không. Trong đó, các ngân hàng thương mại cũng tháo gỡ khó khăn về vốn cho nhiều doanh nghiệp hàng không, từ đó giúp cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn này.
Ngành hàng không gặp khó khăn trăm bề, nhiều máy bay nằm sân cả tháng trời |
"Việc hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp hàng không cũng đã giúp khắc phục một phần những khó khăn về thanh khoản", ông Nề nói và bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ có thêm nhiều hỗ trợ khác cho ngành hàng không bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp trong ngành.
Trên cơ sở đó, tổ chức đại diện cho các hãng hàng không đề nghị ngành ngân hàng áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.
Đặc biệt, ông Nề cũng đề nghị ngành ngân hàng cho phép các hãng hàng không thuộc hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%) với thời hạn 3-4 năm.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, chưa khi nào hàng không lại khó khăn như hiện nay khi tình trạng máy bay phủ bạt ở sân bay, bản thân ông khi đi công tác nhìn cũng vô cùng xót ruột.
Theo thống kê, hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các tổ chức tín dụng là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng, doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: SBV) |
Trong đó, riêng với Vietnam Airlines, các tổ chức tín dụng gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đã thực hiện giải ngân theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước theo Nghị quyết của Chính phủ.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng, ngành ngân hàng cũng là một ngành kinh tế, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp và ngành ngân hàng cũng đang rất khó khăn. Trong đó, nhiệm vụ điều hành vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ rất đáng lo trong trung hạn.
Theo ông Tú, năm 2009-2010, nền kinh tế bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, rồi bong bóng bất động sản và chứng khoán đã để lại 11% nợ xấu cho nền kinh tế. Đến tận bây giờ, ngành ngân hàng vẫn chưa thể giải quyết xong.
Mặt khác, lúc đó quy mô nền kinh tế có 2,4-2,7 triệu tỷ đồng, giờ đây lên tới gần 10 triệu tỷ đồng, tức tăng gấp 4 lần. Điều này theo ông Tú sẽ càng khiến việc điều hành trở nên vô cùng khó khăn nếu không muốn gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
“Nếu như không đảm bảo được ổn định vĩ mô, giữ được giá trị đồng tiền, để lạm phát vượt 4% lên mức 7-8% thì bao nhiêu nỗ lực thời gian qua đều đổ sông đổ biển”, ông Tú nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiệm vụ chính trị lớn nhất của ngành ngân hàng là kiểm soát lạm phát. Hiểu đơn giản, đưa lượng tiền ra và hút lượng tiền về, cũng như cân đối ngoại tệ, tỷ giá, làm sao cho không bị tác động nhiều vào giá cả.
Trong trường hợp lạm dụng quá chính sách tiền tệ sẽ phải trả giá đắt khi lạm phát không kiểm soát được. Hệ luỵ của việc bơm tiền quá mức sẽ là lạm phát trong vài năm tới. Đặc biệt độ trễ của chính sách tiền tệ, tái cơ cấu sổ sách đẹp.
Nhìn ở góc độ tích cực hơn, ông Tú đánh giá hàng không là lĩnh vực vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan. Sau khi hết dịch, bay trở lại thì dòng tiền quay về bù đắp lại rất nhanh. Trong khi một số lĩnh vực kinh tế khác có khi 5-7 năm mới gượng dậy được, vì gần như kiệt quệ hết, toàn bộ vốn liếng tài sản đều là tiền vay.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng ngành ngân hàng sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho các hãng hàng không vay vốn.
Cụ thể, ông Tú đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cho vay ưu tiên vì đây là lĩnh vực quan trọng. Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 mà tình hình diễn biến còn khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp điều chỉnh Thông tư 01, 03 và 14 để hỗ trợ.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại được đề nghị giảm lãi suất và mạnh dạn cho các hãng hàng không vay tín chấp. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên cơ sở phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng.
Đối với các giải pháp vượt thẩm quyền (gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng cho vay các hãng hàng không), ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ về chủ trương và đề nghị các bộ, ngành, trong đó Bộ Giao thông vận tải với tư cách là cơ quan chủ quản báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.