Ngăn nguy cơ cháy nổ chung cư, nhà cao tầng
Nỗi lo an toàn tại các khu chung cư Cư dân chung cư cũ ở Hà Nội đã thấy... "ánh sáng cuối đường hầm" Ấm tình hàng xóm giữa đô thị hiện đại |
Diễn tập phương án chữa cháy với tình huống giả định
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, qua hơn hai năm thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội", công tác PCCC đạt hiệu quả.
Cụ thể, số vụ cháy tại các chung cư, nhà cao tầng năm 2020 giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2018. Cùng với đó, số cơ sở bảo đảm các điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tăng hơn 86% so với năm 2019. Số chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng cũng giảm 60% so với năm 2019…
Thực tế cho thấy, nguy cơ cháy nổ ở chung cư, nhà tập thể vẫn luôn hiện hữu. Trong khi đó, nếu xảy ra hoả hoạn thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Chính vì vậy, công tác PCCC khu chung cư, tập thể, nhà cao tầng ở Hà Nội luôn được chú trọng.
Để ngăn ngừa “giặc lửa”, diễn tập phương án chữa cháy là một trong những biện pháp thường xuyên, phát huy được vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ, ngăn ngừa cháy lan, hạn chế hậu quả do cháy.
Diễn tập phương án PCCC và CNCH ở chung cư trên địa bàn huyện Thanh Trì |
Ngày 6/11, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) - lực lượng chức năng của đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội và Công an huyện Thanh Trì (đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo 197 huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã phối hợp diễn tập phương án PCCC và CNCH tại chung cư Hồng Hà - Eco City Thanh Trì. Nội dung diễn tập là dập tắt đám cháy trong hầm để xe và giải cứu nhiều người ở tầng cao chung cư
Giả định tình huống xảy cháy vào khoảng 9h ngày 6/11, tại tầng hầm B1 của toà nhà Hồng Hà Eco City. Lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ tầng hầm và các tầng lân cận. Thời điểm xảy cháy hệ thống báo cháy tự động của toà nhà đang trong quá trình duy tu, bảo dưỡng nên không hoạt động khiến cư dân không hề biết. Đến khi ngọn lửa bùng phát quá lớn, đe doạ đến sự an toàn tính mạng, người dân mới hoảng loạn.
Nguyên nhân do một lái xe say rượu tự đâm vào xe ô tô đang đỗ gần khu vực dốc hầm làm cháy xe, lan nhanh sang hai xe ô tô lân cận.
Do vận tốc đám cháy lớn, chỉ trong thời gian ngắn mật độ khói dày đặc bao trùm tầng hầm B1 làm tầm nhìn bị hạn chế, gây khó khăn cho công tác hướng dẫn thoát nạn, cứu nạn xử lý sự cố ban đầu.
Trong quá trình thoát nạn một hộ dân ở tầng 5 sơ ý tiếp tục làm đổ nến khiến căn phòng càng cháy.
Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chữa cháy cơ sở đã hướng dẫn thoát nạn. Tuy nhiên trong lúc hoảng loạn, hai người đã chạy ra ban công nên bị mắc kẹt ở đó, ở phía trong có 4 người đã bị thương không di chuyển được, nằm tại sảnh ngoài căn hộ đang bị cháy.
Sau khi nhận được thông tin chi viện của cơ sở, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện Thanh Trì, Thường Tín, Công an quận Hoàng Mai, và Trung tâm 5 - Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động phương tiện và cán bộ chiến sĩ đến làm nhiệm vụ.
Trong thời gian ngắn các nạn nhân bị thương và mắc kẹt đã được đưa xuống nơi an toàn, chuyển lực lượng y tế cấp cứu. Đám cháy được khống chế ngay sau đó.
Tình huống giả định là cháy căn hộ ở chung cư cao tầng |
Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì (đại diện đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo 197 huyện Thanh Trì) cho biết: Buổi diễn tập thành công, an toàn đúng theo kịch bản, phương án đề ra. Các lực lượng phối hợp chặt chẽ, tác chiến hiệu quả xử lý sự cố cháy và cứu người mắc kẹt giả định.
Buổi diễn tập là biện pháp tuyên truyền trực quan sinh động đồng thời là biện pháp kiểm tra sự phối hợp giữa các lực lượng, thiết bị chữa cháy để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng ứng phó khi có cháy, nổ xảy ra.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Ban Chỉ đạo 197 huyện, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi người dân có nhiều nhu cầu hoạt động tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy.
Giải pháp phòng cháy tại chung cư, nhà cao tầng
Trước nguy cơ mất an toàn PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng, đại diện đơn vị chuyên môn Công an TP Hà Nội (đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội) khuyến cáo: Đối với hệ thống điện và thiết bị điện, người dân cần tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện trong nhà bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật.
Cùng với đó, mỗi nhà phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.
Trong xã hội hiện đại, các thiết bị sử dụng điện ngày càng nhiều, nguy cơ cháy nổ cũng vì thế mà tăng lên. Người dân cần chú ý, không sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm và đặt trên các đồ vật có khả năng bắt cháy cao, hấp thụ nhiệt tốt như chăn, ga, gối, đệm…
Một buổi diễn tập phương án PCCC và CNCH ở huyện Thanh Trì |
Chủ mỗi căn hộ phải bố trí một góc bếp nấu ăn an toàn, không kê bếp sát vách lá, sàn gỗ. Đồng thời, mỗi nhà phải kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.
Người sống trong căn hộ chung cư, nhà cao tầng lưu ý trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra tắt bếp, tắt đèn, kiểm tra các dụng cụ tiêu thụ điện; Trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại bếp nấu, tắt các đèn dầu...
Hộ dân không nên tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ cao khi không cần thiết; Hạn chế sử dụng các loại vật liệu dễ cháy (gỗ tấm, tấm nhựa, mút xốp...) để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm phòng ngừa cháy lan; Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi; Phải có khu đốt vàng mã riêng biệt, khi đốt phải trông coi, che chắn tránh cháy lan hoặc gió cuốn tàn lửa gây cháy lan; Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng.
Mỗi người dân nâng cao ý thức đề phòng nguyên nhân dẫn đến cháy nổ chính là bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân, gia đình và xã hội |
Đặc biệt, người dân không lắp lồng sắt, lưới sắt, chuồng cọp, biển quảng cáo ở lan can. Trường hợp người dân đã lắp thì phải thiết kế ô cửa thoát nạn và quy định rõ vị trí để chìa khóa; Chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu để thoát nạn khi cháy xảy ra.
Mỗi căn hộ cần bố trí tối thiểu hai lối thoát nạn, chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; Không bố trí đồ vật cản trở lối thoát nạn; Đồng thời dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra và tập luyện cho người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã trang bị.
Khi cháy, nổ xảy ra, người dân phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn đã định sẵn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114, chính quyền, Công an địa phương nơi cư trú. Sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy.