Ngành Du lịch tiên phong trong việc xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia
(TTTĐ) - Du lịch là một trong những ngành đầu tiên thực hiện dự thảo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia với nghề Phục vụ Buồng và nghề Lễ tân, trình lên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt chính thức.
Vừa qua, dự thảo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Phục vụ Buồng và nghề Lễ tân đã được Dự án Chương trình Phát triển Năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT) xây dựng và chuyển giao cho Tổng cục Du lịch trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Dự thảo hai bộ tiêu chuẩn được tái cấu trúc trên cơ sở tài liệu Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) nghiệp vụ Phục vụ Buồng và Lễ tân, đã được Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 xây dựng và được hài hòa hóa với tiêu chuẩn chung về nghề du lịch ASEAN (ACCSTP).
Dự thảo hai bộ tiêu chuẩn cũng phù hợp với Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đồng thời phù hợp với Thông tư số 56/2015/TT-BLĐTBXH “Hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia” ban hành ngày 24 tháng 12 năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2016.
Trong phiên họp ngày 30/7/2016 diễn ra tại Hà Nội, 11 thành viên Hội đồng thẩm định Tiêu chuẩn kỹ năng nghề (TCKNN) quốc gia Nghề Phục vụ Buồng và 10 thành viên Hội đồng thẩm định TCKNN quốc gia Nghề lễ tân đã đọc nhận xét, góp ý kiến về hai dự thảo, đánh giá nội dung chi tiết, quá trình xây dựng tiêu chuẩn là phù hợp.
Các thành viên hội đồng đánh giá cao về công sức của các chuyên gia Dự án EU-ESRT đã đóng góp cho việc xây dựng hai bộ tài liệu tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, nhiều đơn vị khách sạn trên toàn quốc đã đưa vào sử dụng tiêu chuẩn VTOS từ 2008.
Hai bộ tiêu chuẩn mang tính thực tiễn phù hợp cho cả doanh nghiệp và các trường đào tạo du lịch sử dụng để triển khai đào tạo, tuyển dụng, đánh giá nhân viên… Hai bộ tiêu chuẩn này cũng rất hài hòa và phù hợp với tiêu chuẩn chung về nghề du lịch của ASEAN.
Các thành viên hội đồng đề xuất hai bộ tiêu chuẩn này sớm được Bộ LĐTBXH phê duyệt để được công nhận thành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, như đã được xác định trong Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch trong ASEAN (MRA-TP).
Hương Thúy