Ngành Y tế Thủ đô đổi thay toàn diện
Đứng đầu cả nước về y tế cơ sở, y tế dự phòng
Để mọi người dân đều có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngay tại cơ sở, trong những năm qua, ngành Y tế Hà Nội luôn củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống y tế cơ sở, qua đó góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, ngành Y tế Thủ đô đã tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới...
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà trao danh hiệu cho 3 cá nhân được biểu dương “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố |
Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, ngành Y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc khám chữa bệnh.
Theo đó, các đơn vị luôn quan tâm đầu tư, ứng dụng các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: Phẫu thuật nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp, kỹ thuật can thiệp bào thai... trong khám chữa bệnh cho Nhân dân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: “Toàn ngành Y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và 13.903 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Hiện tất cả 579/579 trạm y tế xã, phường (100%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định tại Quyết định 4667/QĐ- BYT của Bộ Y tế.
Về nhân lực y tế tại y tế cơ sở, nhân lực tuyến xã năm 2022 là 4.723 người, trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc là 100%; Tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc cơ hữu là 88,6%... Hệ thống tổ chức về y tế dự phòng của ngành Y tế Hà Nội cũng chính là lực lượng cán bộ của các trung tâm y tế thực hiện đa chức năng”.
Trước đó, tháng 3/2023, đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, thành phố Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về công tác này, góp phần thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Bên cạnh đó, đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế Thủ đô phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của đội ngũ này được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y, bác sĩ tận tụy chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.
Đặc biệt, trong cuộc chiến khốc liệt chống đại dịch COVID-19 hơn 2 năm qua, thành phố Hà Nội đã có những nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh hết thảy, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng... của các “chiến sĩ áo trắng”.
Tính từ năm 2009 đến nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Y tế Thủ đô đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp ngành có hơn 11.500 cá nhân, 228 cá nhân được công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố... Đây thực sự là những tấm gương điển hình tiên tiến của ngành trong 15 năm qua.
Nỗ lực từ tuyến cơ sở
Nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân tại tuyến y tế cơ sở, thời gian qua các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động y tế tại cơ sở như phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân, duy trì thực hiện hiệu quả các chương trình y tế.
Đối với các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình, quản lý bệnh không lây nhiễm.
Đặc biệt 15 năm mở rộng biên giới hành chính, ngành y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở, cụ thể là từ Trạm Y tế xã. Việc phát triển y tế cơ sở góp phần quan trọng trong việc quản lý sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, giảm vượt tuyến, giải quyết được bài toán quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Châu Lê Thị Lộc khám, cấp thuốc cho bệnh nhân |
Nằm gọn trong bãi bồi giữa sông Hồng, xã Minh Châu là địa phương duy nhất ở Hà Nội được nhiều người gọi là “xã đảo”. Trước khi có hai cây cầu Vĩnh Thịnh và Văn Lang, việc đi lại cũng như khám chữa bệnh của người dân nơi đây phụ thuộc vào thuyền, phà đến các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện tuyến Trung Ương.
Đến nay, trạm y tế xã Minh Châu chính là điểm chăm sóc sức khỏe chính có 6.500 người dân ở xã với chức năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trên địa bàn xã và thực hiện công tác y tế dự phòng trong giám sát và xử lý dịch; Triển khai các chương trình hoạt động y tế và cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu.
Nhờ mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, trạm Y tế xã Minh Châu được nâng cấp về cơ sở vật chất cũng như đầu tư trang thiết bị y tế. Theo đó, năm 2013, Trạm y tế xã Minh Châu được UBND thành phố đầu tư xây mới 1 dãy nhà làm việc 3 tầng kiên cố, với 20 phòng chức năng phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn. Tháng 8/2019, trạm y tế xã được UBND huyện Ba Vì bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 800 triệu đồng…
Năm 2018, được chọn là một trong bốn xã điểm của Hà Nội hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nên Trạm Y tế xã Minh Châu được Bộ Y tế trang bị thêm cho một số trang thiết bị, máy móc, đồng thời cử thêm nhân lực về hỗ trợ cho trạm trong thời gian đầu.
Trạm trưởng Trạm y tế xã Minh Châu Lê Thị Lộc cho biết: “Các trang thiết bị thì từ khi mà sáp nhập về thành phố Hà Nội cũng từng bước được trang bị đầy đủ những cái trang thiết bị máy móc mà phục vụ cho nhân dân ví dụ như máy siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm đường huyết…
Từ khi áp dụng mô hình trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, người dân đã yên tâm hơn và tin tưởng tới khám bệnh tại trạm y tế xã.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, trạm đã khám được 2.816 lượt, trong đó, khám dự phòng là 454 lượt; khám bệnh chung là 2.362 lượt. Tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị hợp lý đạt 90% trở lên. Không có sai sót về chuyên môn và tai biến trong điều trị.
Đồng thời, trạm hiện đang quản lý và điều trị 56 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, khám và quản lý điều trị được 455 bệnh nhân tăng huyết áp, khám, cấp phát thuốc điều trị Methadone cho 36 bệnh nhân”.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Trạm y tế xã Minh Châu được nâng cấp về cơ sở vật chất |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, khi triển khai hiệu quả mô hình trạm y tế, điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Trạm Y tế xã Minh Châu cũng như nhiều trạm y tế xã trên địa bàn Thủ đô vẫn còn gặp phải khó khăn như chế độ đãi ngộ đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở còn thấp nên không thu hút được cán bộ, đặc biệt là bác sĩ.
Vì vậy, nhiều y bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở đều mong mỏi có chế độ ưu đãi đối để khuyến khích họ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song cán bộ, nhân viên y tế Thủ đô tin tưởng rằng chặng đường sau 15 năm hợp nhất, khởi sắc sẽ tạo đà cho y tế thành phố nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong những năm tiếp theo.