Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5: 8 triệu người tử vong mỗi năm vì thuốc lá
Quang cảnh buổi hội thảo
Ngày 31/5 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), tổ chức điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp - Quốc hội tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể nhằm thực thi hiệu quả Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá”. Sự kiện được tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Chiến dịch Hành động vì Trẻ em không Thuốc lá (CTFK).
Tại hội thảo, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tê Thế giới cho biết, khói thuốc lá có 7000 chất hóa học với 69 chất gây ung thư. Thuốc lá, là nguyên nhân gây ra 8 triệu người chết mỗi năm trên thế giới. Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của nạn dịch thuốc lá với 15 triệu người thường xuyên sử dụng thuốc lá. Thuốc lá cướp đi mạng sống của khoảng 40.000 người mỗi năm.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng nêu rõ, tại Việt Nam, năm 2011 chi phí trực tiếp cho khám chữa bệnh và chi phí gián tiếp do mất khả năng lao động do ốm đau và tử vong sớm do thuốc lá của năm loại trong tổng số 25 loại bệnh có liên quan đến thuốc lá là trên 24 ngàn tỷ đồng trong khi thuế thu từ thuốc lá trong năm này chỉ là 12 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất rẻ. Hành vi hút thuốc được xã hội chấp nhận rộng rãi. Các vi phạm về quảng cáo khuyến mại và hút thuốc nơi công cộng còn phổ biến. Những nghịch lí đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất đó là sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá.
Việt Nam đã thông qua Công ước về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (FCTC) từ năm 2004 và có trách nhiệm phải xây dựng và thực thi những quy định nhằm bảo vệ các chính sách kiểm soát thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với hướng dẫn điều 5.3 FCTC của Tổ chức Y tế Thế giới (2008). Hướng dẫn điều 5.3 yêu cầu các nước thành viên phải có các biện pháp như: Nâng cao nhận thức về các chiến lược của ngành công nghiệp; Hạn chế tương tác và tăng cường tính minh bạch với các tương tác cần thiết; Không nhận tài trợ hay hỗ trợ của các doanh nghiệp thuốc lá; Thiết lập các quy tắc ứng xử cho cán bộ, nhân viên, bao gồm các biện pháp để ngăn cản xung đột lợi ích; Chính phủ hay các nhà quản lý ngân sách không được đầu tư vào ngành công nghiệp thuốc lá; Các doanh nghiệp Thuốc lá phải công khai báo cáo hoạt động thực tế; Các doanh nghiệp Thuốc lá và đại lý Thuốc lá nên bị cấm tham gia các hoạt động trách nhiệm xã hội; Không khuyến khích hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc trợ cấp cho ngành công nghiệp thuốc lá; Ngành công nghiệp thuốc lá phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, Hướng dẫn điều 5.3 cho đến nay vẫn chưa được thực thi dẫn đến sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào các chính sách y tế công cộng. Trong quá trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, ngành công nghiệp thuốc lá đã can thiệp vào nội dung những điều khoản liên quan tới những chính sách hiệu quả như in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; cấm quảng cáo khuyến mại toàn diện hay cấm hút thuốc ở các địa điểm công cộng trong nhà. Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào quá trình xây dựng Luật sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã khiến cho thuế suất được thông qua rất thấp so với mức yêu cầu cần thiết để có tác dụng giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá theo mục tiêu Quốc gia về kiểm soát thuốc lá.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã áp dụng và thực thi những hướng dẫn điều 5.3. Năm 2010, Bộ Y tế Philippines đã ban hành một Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế và Ủy ban Dịch vụ Công (tương đương với chức năng của Bộ Nội vụ ở Việt Nam) nhằm bảo vệ hệ thống hành chính công khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá, bằng cách hạn chế các tương tác và bảo đảm sự minh bạch của các tương tác cần thiết và từ chối sự hợp tác với ngành công nghiệp thuốc lá. Bộ Y tế Thái Lan cũng đã ban hành quy định cấm sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào quá trình xây dựng các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá. Thêm vào đó, Thái Lan cũng cấm mọi hình thức đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá như hỗ trợ quá trình soạn thảo hay các chuyến thăm quan đối với các cơ quan và quan chức chính phủ.
Thông qua hội thảo lần này đã đưa ra những khuyến nghị đối với Chính phủ như: Không bố trí cán bộ nhà nước tham gia quản lý tại các doanh nghiệp thuốc lá và ngược lại; Xem xét tiến tới việc cấm hoàn toàn các hoạt động “trách nhiệm xã hội” của các công ty thuốc lá; Không nhận tài trợ của ngành công nghiệp thuốc lá…