Nghệ An: “Cát tặc lộng hành” tàn phá lòng Sông Lam
![]() |
Bài 1: Bãi cát không phép lấn chiếm đất sản xuất và sân vận động xã?
Những ngày gần đây, hàng chục hộ dân xóm 10, xã Hưng Xuân (huyện Hưng Nguyên) có đất sản xuất tại bãi bồi xứ Bàu Phong ven sông Lam đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị tố cáo doanh nghiệp đã lẫn chiếm đất sản xuất của họ. Theo đơn kiến nghị của người dân thì từ đầu tháng 9 đến nay một doanh nghiệp mở bến tập kết, kinh doanh cát sỏi đóng trên địa bàn đã tự ý bơm hút cát đè lên đất sản xuất bấy lâu của người dân.
![]() |
Đơn kiến nghị của dân xóm 10 xã Hưng Xuân
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng (trú tại xóm 10, xã Hưng Xuân), người dân có diện tích đất sản xuất đang bị doanh nghiệp lấn chiếm tỏ ra vô cùng bức xúc: “không biết ai đã chống lưng cho chủ bến cát này mà mấy hôm vừa qua họ đã cướp đi quyền lợi chính đáng của người dân chúng tôi, vi phạm một cách trắng trợn khi ngang nhiên hút cát đè lên diện tích đất canh tác, sản xuất nông nghiệp của chúng tôi giữa ban ngày mà chính quyền không có ai vào cuộc”.
Bà Phạm Thị Toàn, hộ dân có gần 1 sào đất canh tác nông nghiệp vừa bị doanh nghiệp bến cát sỏi của bà Lê Thị Hưng (SN 1984) ngang nhiên hút cát đè lên lấn diện tích đất, cho biết: “Gia đình tôi có gần 1 sào đất ở bãi bồi. Từ đầu tháng 9 này thấy doanh nghiệp của bà Hưng tự ý bơm cát lên tập kết ở đất của tôi và khoảng 15 hộ gia đình khác mà không có ý kiến gì. Thực sự là xem thường người dân chúng tôi quá!”.
Còn ông Phạm Văn Dũng, người gửi đơn khiếu nại nhiều lần lên chính quyền xã Hưng Xuân bức xúc: “Ở đây có tới 20 hộ có đất thì có tới 15 hộ bị bến cát sỏi của bà Hưng đổ cát sỏi lấn chiến. Không chỉ có vậy, bến cát này còn đổ cát vào cả diện tích đất sân vận động của xã, làm mất khuôn viên vui chơi giải trí của các cháu nhỏ. Bây giờ sân vận động trở thành bãi tập kết cát sạn, bùn đất lầy lội, các cháu không có chỗ luyện tập thể dục thể thao mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
“Hàng năm, bà con chúng tôi vẫn trồng nông sản như ngô, đậu, lạc... năng suất trung bình một vụ ngô như vậy đạt khoảng 3 tạ cho một đầu sào. Thu nhập 1 sào khoảng 3 triệu đồng cho mỗi vụ mùa” ông Dũng cho biết thêm.
![]() |
Hình ảnh bến cát sỏi “khổng lồ” của bà Lê Thị Hưng
Theo tìm hiểu của PV, sau khi doanh nghiệp lấn chiến đất của người dân thì đại diện doanh nghiệp này đã đến nhà người dân để “thỏa thuận”, nhưng người dân không đồng ý. Trao đổi với chúng tôi bà Hồ Thị Tâm, nói trong nước mắt: “Đất canh tác của chúng tôi có gần một sào, hàng năm chúng tôi đều trồng ngô trồng lạc, thế mà doanh nghiệp bà Hưng ngang nhiên đổ cát lên. Vụ mùa vừa rồi do trâu bò phá hết nên không làm được gì, thế mà khi chúng tôi kêu không được đổ cát sỏi lên đất canh tác của chúng tôi thì bà Hưng bảo đất bỏ hoang. Đất sản xuất chia theo khẩu rõ ràng, sao doanh nghiệp có thể ngang nhiên lộng hành như vậy mà chính quyền địa phương không có ý kiến gì?”
Sự việc lẫn chiếm đất canh tác của bà con không chỉ có gia đình của bà Hương, bà Tâm mà theo kiến nghị của người dân, đất canh tác của khoảng hơn 10 hộ khác ở xóm 10 cũng đã bị bến cát sỏi của bà Hưng chiếm dụng một cách trắng trợn. Đơn cử như đất của các hộ bà; ông Nguyễn Văn Dũng; Nguyễn Văn Thắng; Phạm Thị Bé; Phạm Thị Toàn; Bà Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Nhung…
![]() |
Hai chiếc thuyền đầy cát, nạo khoét khoáng sản giữa dòng sông Lam
Trước sự việc trên, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Phận – Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề liên quan đến nội dung phản ánh của người dân thì ông Phận tỏ ra khó chịu: “Phía chính quyền địa phương cũng đã nhận được đơn thư phản ánh vào ngày 20/9. tuy nhiên chỉ về việc chủ bến cát lẫn chiến đất của bà con là 3.500m2 và sân vận động là 150m2. Không phải các hộ có ý định viết và ký đơn lên xã mà có người đứng đằng sau xúi dục bà con đó thôi”.
Nói về việc bến cát bà Hưng có tự ý hút cát lên lấp đất của dân hay không thì ông Phận giải thích: “Đất ở đây là đất bãi bồi vên sông nhưng đã bỏ hoang 5 - 6 năm nay rồi. Doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất thì phải ủng hộ họ”. Khi PV đặt câu hỏi: “Nhưng phải được dân đồng ý cũng như phải có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như phải được cấp phép bến thủy nội địa thì mới được làm?”. “Thì họ đang “chạy” thủ tục đó. Nghe nói có bà con mô ở dưới tỉnh lo cho”.
![]() |
Bến cát của bà Lê Thị Hưng nằm gần cầu đường sắt Yên Xuân.
Được biết, tại khu vực chân cầu Yên Xuân trước đây có 4 bãi tập kết cát như đã phản ánh ở trên. Phía bên phải cầu gồm hai bãi gồm bãi của Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Quý, (SN 1964) trú tại xóm 9, xã Hưng Xuân làm chủ và Doanh nghiệp tư nhân Lê Thị Hưng (SN 1984); phía trái cũng gồm hai bãi của Doanh nghiệp Nguyễn Văn Cường (SN 1947, cũng trú tại xóm 10, xã Hưng Xuân làm chủ); bãi còn lại do Trần Văn Hợi (SN 1974, trú tại xóm 4, xã Hưng Xuân) làm chủ.
Trước thực trạng trên, cuối năm 2015 đoàn liên ngành của tỉnh Nghệ An bao gồm Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng… đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các chủ bến bãi tự dẹp bỏ máy móc, thiết bị để trả lại mặt bằng “sạch”. Vì thế 3/4 Doanh nghiệp đã nêu ở trên đã nghiêm khắc chấp hành để tự dẹp bỏ máy móc, cát sỏi, trả lại mặt bằng cho chính quyền. Tuy nhiên, duy nhất chỉ còn lại bến cát của Doanh nghiệp tư nhân Lê Thị Hưng vẫn không chấp hành?!.
Đình Nguyên
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Lãnh đạo UBND TP Hội An yêu cầu cấp dưới kiểm điểm trách nhiệm

Trùng Khánh và Hà Quảng (Cao Bằng): Thu giữ 1.128 kg nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc

Huyện Nhơn Trạch rà soát nhầm đất dân là đất công

Thanh Hóa: Phát hiện đối tượng trú tại huyện Nga Sơn kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Kỳ 3: Xử lý nghiêm, không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ"

Kỳ 2: Sản phẩm giả, nguy hại thật

Kỳ 1: Rúng động với hàng trăm tấn thuốc, thực phẩm chức năng, sữa giả

Kỳ 3: Bài học đắt giá và hồi chuông cảnh tỉnh

Kỳ 2: Từ những dấu hiệu bất thường đến cuộc “cất vó” xuyên biên giới
