Nghệ An: Dự kiến mở rộng diện tích thành phố Vinh gấp đôi hiện nay
Những điểm đến không thể bỏ lỡ khi về Nam Đàn quê Bác Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Tập đoàn TH Thúc đẩy tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược để đưa Nghệ An trở thành tỉnh mạnh |
Vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 (ngày 26/7), UBND tỉnh Nghệ An đã đề xuất phương án mở rộng TP Vinh. Đây là phương án thứ 3 trong 5 phương án mà Tổ soạn thảo phương án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh trình bày tại phiên họp.
Khu vực trung tâm thành phố Vinh (Ảnh: Sách Nguyễn) |
Hiện nay, TP Vinh đang rộng 105km2, dân số hơn 348.000, với 16 phường và 9 xã. Ranh địa giới hành chính TP Vinh dự kiến điều chỉnh mở rộng thêm diện tích tự nhiên khoảng 100km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Cửa Lò với diện tích tự nhiên hơn 29km2, dân số hơn 57.000, gồm 7 đơn vị hành chính trực thuộc sẽ sáp nhập về TP Vinh; Cùng toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 9 xã gồm Khánh Hợp, Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái và Nghi Vạn của huyện Nghi Lộc, với khoảng 71km2, dân số 76.000 người.
Thành phố Vinh sau khi mở rộng sẽ gồm TP Vinh hiện tại, thị xã Cửa Lò và 9 xã của huyện Nghi Lộc (Đồ họa: Tiến Thành) |
Sau khi điều chỉnh, TP Vinh sẽ có tổng diện tích hơn 205km2, gần gấp đôi so với hiện nay; Quy mô dân số sau khi điều chỉnh mở rộng, thành phố có khoảng hơn 482.000 người.
Đồng thời, thành phố cũng sẽ thành lập thêm một số phường xã để đạt tiêu chí đô thị (tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên). Khi đó, Nghệ An cũng sẽ điều chỉnh còn 20 huyện, thành phố, thị xã.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, việc xây dựng đề án mở rộng không gian thành phố Vinh nhằm thực hiện Quyết định số 52/2015 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có tính đến tình hình thực tế, điều kiện để thực hiện, truyền thống văn hóa, lịch sử của các huyện thị.
UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, phương án này đạt được mục đích mở rộng không gian để quy hoạch phát triển thành phố; các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập ít xáo trộn, không phải lựa chọn địa điểm để xây dựng trung tâm hành chính huyện Nghi Lộc. Về mặt kinh tế, TP Vinh mở rộng sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh; Là đầu tàu tăng trưởng, giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu, phát triển kinh tế Nghệ An cũng như Bắc Trung Bộ. Thành phố cũng kỳ vọng sẽ có thêm không gian phát triển các khu cụm công nghiệp, tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm; Thu hút lực lượng lao động chất lượng cao; Từng bước phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ. Việc mở rộng sẽ làm giảm áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của trung tâm là TP Vinh hiện hữu, tạo sự cân đối giữa nội thành và ngoại thành. Bên cạnh mặt tích cực, việc mở rộng địa giới hành chính cũng được dự báo có một số bất cập về công tác quản lý hành chính, cần có kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư. Một bộ phận người dân nông thôn sẽ thành dân thành thị, nhưng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm, quá trình đô thị hóa... |