Nghệ sĩ Lê Thanh Phong ra mắt MV "Truông Bồn nhớ mãi tên em"
Nguyễn Thu Hằng ra MV với lời nhắn gửi sâu sắc đến… đàn ông |
Thông điệp yêu hòa bình và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước
Chia sẻ về ca khúc “Truông Bồn nhớ mãi tên em”, nghệ sĩ Thanh Phong cho biết, anh luôn có cảm xúc đặc biệt với địa danh cách mạng gắn liền với sự hy sinh anh dũng của 13 liệt sĩ đang tuổi thanh xuân. Trong một lần đi dâng hương các liệt sĩ tại Truông Bồn vào ngày mùng 7 Tết, khi Thanh Phong đang chăm chút cắm hoa cúc trắng vào làm lễ cho các anh chị, có nhiều du khách nhận ra anh và đề nghị anh hát Ví Giặm mộc mạc ngay tại đây.
Nghệ sĩ Thanh Phong |
“Tôi thực sự xúc động. Khi hát xong, các anh chị thuyết minh viên, cán bộ khu di tích nói: Đã có rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ hát ca khúc cho Truông Bồn rồi, ở đây mọi người rất thích Phong hát Ví Giặm và mong Phong có một bài hát về Truông Bồn, trước là dâng lên anh linh các liệt sĩ, sau là để khán giả du khách mọi miền được nghe. Các anh chị còn dặn thêm: Nhưng phải đậm đà màu sắc âm hưởng dân ca xứ Nghệ nhé!”, Thanh Phong chia sẻ.
Luôn canh cánh về tác phẩm âm nhạc cho Truông Bồn, Thanh Phong cũng đã chọn nhiều bài viết về địa danh lịch sử này để tập hát, nhưng vẫn cứ thấy lòng chưa được đúng ý và chất giọng. Tháng 10 vừa qua, anh về Nghệ An đúng lúc quê nhà chịu ảnh hưởng của mưa bão. Trong tiết trời mưa dầm, gió lạnh, chàng nghệ sĩ trẻ tình cờ đọc được những câu thơ về liệt sĩ Truông Bồn của người anh thân thiết là Trần Tiến Dũng.
Nghệ sĩ Thanh Phong trong MV "Truông Bồn gọi tên em" |
Đồng cảm với những dòng thơ, Thanh Phong đã chắp bút thêm thơ và nhạc, để sau đó bài hát “Truông Bồn nhớ mãi tên em” ra đời. Sau này, Thanh Phong mới biết, công ty của anh Trần Tiến Dũng chính là đơn vị xây dựng các hạng mục tại Khu di tích Truông Bồn.
Ca khúc “Truông Bồn nhớ mãi tên em” với âm hưởng dân ca xứ Nghệ là chủ đạo, khắc họa bức tranh quê Đô Lương, xứ Nghệ thanh bình hôm nay và hào hùng khí thể của những năm tháng chiến tranh năm xưa với địa danh Truông Bồn - huyết mạch giao thông. Đó là nơi những cô gái, chàng trai đã ngã xuống, tên các chị, các anh đã hóa vào hoa lửa Truông Bồn.
Thông thường, các ca khúc đề tài tri ân liệt sĩ hay mang màu sắc bi hùng, linh thiêng, trầm buồn và trữ tình cách mạng nhưng ở “Truông Bồn nhớ mãi tên em” thì bên cạnh sự ngọt ngào, da diết thì có cả sự tươi vui, trẻ trung. Sự khác biệt này trước hết đến từ chất liệu âm nhạc khi Thanh Phong lựa chọn dân ca Ví, Giặm làm âm hưởng chủ đạo, được phát triển lên theo giai điệu tươi vui hơn nhưng vẫn mang tính hào sảng, thiết tha, tự hào.
Ở phần 1 ca khúc, nhịp điệu tiếp nối nhau, có tính lặp lại như hát Giặm, và có gieo vần để dễ thuộc, dễ nhớ như: “Dòng Lam đôi bờ vấn vương/câu Ví Giặm thân thương/Ngàn hoa mua rừng ngát hương...” gợi nên một bức tranh xứ Nghệ yên bình, nhẹ nhàng và hồi tưởng quá khứ Truông Bồn.
Sang phần hai với nhịp điệu cao trào hơn, hào sảng như nhịp hành quân, từng đoàn người, đoàn xe ra trận, khắc họa hình ảnh về người nữ TNXP Truông Bồn năm xưa đang thông đường, để rồi tên các chị đã hóa thành hoa lửa vẻ vang của dân tộc...
Thanh Phong nói, anh quyết định sẽ mang vào bài hát mới của mình thật nhiều sự trẻ trung để gần gũi hơn với khán giả thế hệ gen Z. “Thông qua ca khúc, tôi cũng muốn gửi gắm đến các bạn trẻ hôm nay thông điệp yêu hòa bình và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước”, anh nói.
Những cảm xúc đồng điệu
Sau khi hoàn thành “Truông Bồn nhớ mãi tên em”, Thanh Phong lập tức gọi điện cho ca sĩ Phương Thanh - Á quân Sao Mai 2011 dòng dân gian để mời đàn chị cùng thực hiện MV. “Chị Phương Thanh là người con Đô Lương, tuổi thơ của chị gắn với mảnh đất này và thường đạp xe đi học qua Truông Bồn từ bé nên cảm xúc chị sẽ rất nhiều.
Ca sĩ Phương Thanh - Á quân Sao Mai 2011 dòng dân gian trong MV |
Khi nhận lời mời tham gia dự án “Truông Bồn nhớ mãi tên em”, Phương Thanh rất xúc động. “Chiều hôm đó, khi đang dạy sinh viên tại Đại học Văn hóa, chị Phương Thanh tranh thủ vỡ bài và không giấu được cảm xúc. Học sinh thấy cô chùng xuống thì hỏi han rất nhiều. Sau khi tan lớp, dù trời mưa như trút nước, chị Phương Thanh lập tức đến phòng thu với tôi để thu thanh luôn”, Thanh Phong nói.
Có một điều thú vị: Ê-kíp đang quay hình thì được gặp đoàn các cô, bác cựu TNXP phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An lên thăm lại Truông Bồn. Khi thấy Thanh Phong, các cô bác đã hỏi thăm và chụp ảnh rất nhiều cùng anh, bởi ngày thường ở nhà họ vẫn hay nghe anh hát dân ca Ví Giặm và ngâm thơ.
“Tôi càng xúc động hơn khi biết các cô, bác một thời là đồng đội với các liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn, tuổi trẻ đã sống và chiến đấu trên cung đường này. Ý nghĩa hơn khi trong đoàn có bà Nguyễn Thị Lân - người được vinh dự 2 lần gặp Bác Hồ năm xưa.
Bà đã cảm động nắm tay tôi và chị Phương Thanh kể chuyện xưa. Theo yêu cầu, chị em tôi đã hát mộc mấy bài dân ca xứ Nghệ trên đồi nghỉ chân của các cô bác. Vừa hát mà cả các cô, bác và các cháu đều khóc giữa trưa nắng Truông Bồn”, Thanh Phong xúc động.
Trong MV “Truông Bồn nhớ mãi tên em” còn có sự xuất hiện của các bạn Đoàn viên thanh niên các xã ở khắp huyện Đô Lương. Khi nghe tin Thanh Phong về quay MV, các bạn trẻ đã tình nguyện đến làm lễ dâng hoa, thắp nến và hỗ trợ đoàn làm phim.
“Khi quay hình và hát mộc tại đồi nghỉ chân bên hố bom Truông Bồn, các bạn trẻ đoàn viên thanh niên có mặt ở đó rất hào hứng và các cô bác cựu TNXP cũng đều thích thú và vỗ tay theo nhịp bài hát. Mọi người không còn khoảng cách thế hệ, tất cả vẫn nụ cười tuổi 20”, nam nghệ sĩ 9X cho biết.
Nghệ sĩ Thanh Phong tên đầy đủ là Lê Thanh Phong, quê ở Nghệ An. Anh là Thạc sĩ, Trưởng đoàn Dân ca xứ Nghệ Unesco tại Hà Nội, BTV chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh từng được trao giải Diễn viên xuất sắc tại Festival âm nhạc dân gian thế giới Uzbekitstan 2017; Bằng khen Liên hoan âm nhạc dân gian do Đài Truyền hình quốc tế Vân Nam - Trung Quốc năm 2019; các Bằng khen Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng các năm 2018, 2019, 2020… |