Nghi ngộ độc “kẹo lạ”, ngành Giáo dục tăng cường quản lý học sinh
Điểm sáng phong trào thi đua ngành Giáo dục thành phố Đổi mới giáo dục, đào tạo cần gắn với yêu cầu của xã hội |
Nhà trường nêu cao tinh thần trách nhiệm
Tối 1/12, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội gửi văn bản tới các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; hiệu trưởng các trường học thuộc Sở về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học.
Văn bản thông tin, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng học sinh có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi ăn “kẹo lạ” mua ở khu vực ngoài cổng trường học, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trường học và sức khỏe của học sinh.
Khuyến cáo học sinh không ăn "kẹo lạ" |
Để bảo đảm an toàn trường học và sức khỏe cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường trung học phổ thông; giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Theo đó, các đơn vị, trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền đến cha mẹ học sinh và học sinh không mua, ăn đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời phổ biến cha mẹ học sinh cần lưu tâm, tăng cường quản lý tình hình học tập, sinh hoạt của con em.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, trường học chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nêu cao tinh thần trách nhiệm để chủ động phát hiện các cơ sở quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc và báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trong trường hợp cần thiết, các đơn vị có thể liên hệ trực tiếp tới số điện thoại của Phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ (Sở GD&ĐT Hà Nội): 02439411232.
Trước đó, qua nắm bắt, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận được thông tin phản ánh có một số học sinh trên địa bàn Hà Nội có biểu hiện ngộ độc nghi do ăn kẹo có xuất xứ không rõ ràng.
Qua kiểm tra, xác minh ở tất cả đơn vị, trường học có 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm) có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn khi ăn cùng một loại kẹo không rõ nguồn gốc, bao bì in chữ nước ngoài.
Báo cáo của Trường THCS Nguyễn Quý Đức cho biết: Khoảng 13 giờ 40 ngày 29/11/2023, phòng y tế nhà trường tiếp nhận 11 học sinh (gồm 10 học sinh lớp 6 và 1 học sinh lớp 7) có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn.
Đây là các học sinh không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường. Trên đường đi đến trường, các học sinh này mua một loại kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. Sau khi học sinh ăn xong khoảng 45 phút thì có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn.
Nhà trường phối hợp với trạm y tế phường đưa các học sinh tới trạm y tế để khám và theo dõi. Hiện tại, sức khỏe của các em đã ổn định. Nhân viên y tế nhà trường đã kiểm tra các lớp để nắm bắt, rà soát học sinh ăn loại kẹo nói trên (nếu có); tuyên truyền tới học sinh không ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc; thông báo tới cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở các con lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc.
UBND phường Đại Mỗ đã có văn bản báo cáo UBND quận Nam Từ Liêm xác minh, làm rõ. Hiện UBND phường Đại Mỗ chỉ đạo trạm y tế phường theo dõi sức khỏe các học sinh, kịp thời báo cáo khi có phát sinh; các nhà trường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, phụ huynh học sinh không ăn các thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, không bảo đảm vệ sinh.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học
Nhận chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã phát đi thông báo trên hệ thống, gửi tin nhắn tới cha mẹ học sinh để cảnh báo về sự việc trên.
Một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: Sau khi nhận chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo tới phụ huynh để cùng giám sát, quản lý học sinh, nhằm đảm bảo an toàn trong trường học, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
“Nhà trường quán triệt phụ huynh phải sát sao quản lý con em khi các em không ăn bán trú tại trường, đưa đón con đúng giờ, đúng địa điểm, không mua quà vặt, đồ ăn thức uống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm kiểm tra nhằm phát hiện hiện tượng học sinh ăn quà vặt tại trường.
Sự phối hợp vào cuộc của phụ huynh là vô cùng quan trọng, chúng tôi đặc biệt yêu cầu phụ huynh cho con ăn sáng tại nhà đúng giờ, đúng bữa, đồ ăn đảm bảo vệ sinh, không mang bánh, kẹo, thạch, sữa, đồ ăn vặt đến lớp”, Hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Chị Trần Thị Thúy - trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, tối 30/11, đồng loạt chị nhận được tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm lớp của 2 con cảnh báo về hiện tượng học sinh ngộ độc nghi do “kẹo lạ”.
Trên các diễn đàn, hội nhóm ở mạng xã hội cũng chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến vấn đề này. Dù đã nhắc nhở con rất nhiều lần, không cho con giữ tiền, không cho ăn quà bánh nhưng chị Thúy không khỏi hoang mang, lo lắng khi những loại thực phẩm độc hại này xuất hiện trên thị trường.
“Tôi mong các cơ quan chức năng, quản lý thị trường nhanh chóng vào cuộc xác minh, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh, sản xuất những loại thực phẩm nguy hại này để tận gốc ngăn chặn, đảm bảo sự an toàn cho học sinh”, chị Thúy chia sẻ.