Người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 phải làm gì để được miễn, giảm lãi vay ngân hàng?
Từ ngày 13/3, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch Covid-19 sẽ được miễn, giảm lãi vay ngân hàng. Ảnh minh họa.
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị từ của các hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trực thuộc hiệp hội, đơn cử hiệp hội các ngành: vận tải, da giày, sắn, cà phê, dệt may, giáo dục ngoài công lập, hiệp hội doanh nghiệp trẻ…
Tính đến thời điểm này, ước tính số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể trả đúng hạn là 926.000 tỷ đồng (chiếm 11% tổng dư nợ nền kinh tế). Số này sẽ được điều chỉnh bởi Thông tư.
Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 13/3 là hành lang pháp lý quan trọng để các ngân hàng thương mại triển khai các chính sách tín dụng, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, thời gian áp dụng Thông tư này là từ 23/1/2020, cộng thêm 3 tháng nữa sau khi Việt Nam công bố hết dịch. Các chính sách quan trọng của Thông tư là miễn lãi, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Hiện quy mô của chương trình hỗ trợ này đã lên đến 285.000 tỷ đồng và số tiền này không phải là tiền từ ngân sách Nhà nước, đây là vốn tiền của các ngân hàng thương mại huy động, thu xếp được để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét, cơ cấu lại hơn 21.700 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn. Miễn giảm lãi vay cho hơn 8.000 khách hàng và đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với tổng dư nợ là trên 85.000 tỷ đồng.
Thông tư 01/2020/TT-NHNN cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
Luật sư Nguyễn Xuân Sang trao đổi về Thông tư 01/01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những quy định trong Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Luật sư Nguyễn Xuân Sang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chuyên gia pháp lý ngân hàng) cho biết: Việt Nam ghi nhận việc lây truyền dịch Covid-19 lần đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Đến chiều 14/3 số ca nhiễm Covid-19 ở nước ta là 53 người.
Trước diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ để ngăn việc lây truyền dịch và điều trị những người mắc bệnh có hiệu quả, tuy nhiên tình hình diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp đặc biệt sự gia tăng các ca nhiễm bệnh trên thế giới.
Những ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam là rõ ràng, nhanh và trực tiếp, đặc biệt các ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, vận tải hành khách...
Thời điểm ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN là ngày 13/2/2020 nhưng thời điểm áp dụng đối với các khoản nợ được hỗ trợ là từ ngày 23/1/2020 cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã rất kịp thời có biện pháp điều chỉnh nhằm hỗ trợ nền kinh tế khi chưa đến 2 tháng đã ban hành thông tư và tính thời điểm áp dụng hỗ trợ từ ngay thời điểm ghi nhận việc lan truyền dịch tại Việt Nam. Việc kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch cũng là điều thiết thực và hiệu quả đối với chính sách hỗ trợ.
Trả lời câu hỏi của PV về đối tượng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Luật sư Sang cho biết: Theo khoản 1, điều 2 thông tư 01/2020/TT-NHNN, đối tượng áp dụng là: Tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo khoản 2, điều 2, thông tư 39/2016/TT-NHNN: Tổ chức tín dụng cho vay là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm: Ngân hàng thương mại; Ngân hàng hợp tác xã; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Tổ chức tài chính vi mô; Quỹ tín dụng nhân dân; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy có thể hiểu các đối tượng sẽ thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 là rất rộng, bao gồm tất cả các tổ chức kể trên (ngoại trừ ngân hàng chính sách).
Về đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ theo thông tư 01/2020/TT-NHNN. Theo khoản 2, điều 2 thông tư 01/2020/TT-NHNN, đối tượng áp dụng là: Khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Theo khoản 3, điều 2 thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm: Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.
Như vậy có thể hiểu đối tượng được hưởng sự hỗ trợ từ chính sách của thông tư 01/2020/TT-NHNN là các pháp nhân, cá nhân đang có các khoản vay tại các tổ chức tín dụng kể trên.
Trả lời câu hỏi về điều kiện đối với việc miễn, giảm lãi, phí, Luật sư Sang cho biết: Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 nhưng điều kiện khoản nợ được xem xét miễn, giảm lãi, phí là các khoản nợ có nghĩa vụ trả nợ gốc và hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và hoặc lãi đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận đã kí do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thông tư 01/2020/TT-NHNN không quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đối với Khách hàng của tổ chức tín dụng khi đề nghị miễn, giảm lãi, phí mà quy định tổ chức tín dụng có trách nhiệm ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của thông tư để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống của tổ chức tín dụng.
Do đó để được miễn, giảm lãi, phí theo quy định của thông tư 01/2020/TT-NHNN, các doanh nghiệp nói riêng cũng như các khách hàng của tổ chức tín dụng nói chung có thể thực hiện các việc: Tự xác định mình có thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của thông tư theo như phân tích về đối tượng áp dụng như trên hay không, xác định khoản nợ của mình có nằm trong điều theo quy định của thông tư hay không?
Tiến hành thu thập các tài liệu, chứng từ nội bộ như báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hóa đơn, chứng từ thu chi, hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán hàng hóa, báo cáo đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp… để chứng minh khoản nợ của mình nằm trong diện điều chỉnh của thông tư và doanh thu, thu nhập của mình có bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp làm đơn đề nghị xem xét hỗ trợ miễn, giảm lãi, phí kèm theo các tài liệu, chứng từ đã thu thập được để nộp cho tổ chức tín dụng nơi mình có khoản nợ và thực hiện các bước theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng dựa trên quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.
Về quy trình thực hiện giữa tổ chức tín dụng với khách hàng: Thông thường, các tổ chức tín dụng đều đã có và đang sử dụng bộ quy định nội bộ về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, trong đó có các quy định, quy trình về từng nghiệp vụ bao gồm cả nghiệp vụ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí. Tuy nhiên Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định và hướng dân các điều kiện đặc thù phát sinh liên quan đến ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự điều tiết của Chính phủ nên tại điều 7, Thông tư 01/2020/TT-NHNN, ngân hàng Nhà nước đã quy định và hướng dẫn tổ chức tín dụng xây dựng bộ quy định nội bộ để thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Theo đó các tổ chức tín dụng có thể xây dựng bộ quy định, quy trình mới này dựa trên các bộ quy định, quy trình các tổ chức tín dụng đang có sẵn và điều chỉnh các điều kiện cho phù hợp với Thông tư 01/2020/TT-NHNN và ban hành để tiến hành giao dịch hỗ trợ cho khách hàng trong thời gian ngắn khoảng từ 7 đến 10 ngày là có thể đưa vào hoạt động.